Bác Hồ chưa một lần đến với Tây Nguyên, nhưng tình cảm của Người với đồng bào và lòng biết ơn của các dân tộc anh em trên vùng đất Tây Nguyên hướng về Bác vô cùng sâu sắc.
Người là ánh sáng soi đường
Ông Y Bih Aleo, người Ê Đê, nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, từng chia sẻ những lời tâm huyết: Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sống dưới thời thực dân Pháp như cây lau, cây lách bên bờ sông triền miên bị sóng nước vùi dập, rên xiết. Mùa Thu năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, người Tây Nguyên đã anh dũng nhất tề đứng dậy đập tan xiềng xích, giành chính quyền và thề giữ vững thành quả Cách mạng. Từ đó, người Tây Nguyên nguyện làm theo lời Bác, làm theo Thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam tại Pleiku ngày 19/4/1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt...”. Trong suốt những tháng năm đánh Pháp, đuổi Mỹ, đồng bào Tây Nguyên lấy lời dạy của Người làm ánh sáng chỉ đường, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng kề vai sát cánh tiêu diệt kẻ thù chung.
Ông Y Bih Aleo nhớ lại bài hát của người Ê Đê đã ngân vang vào mùa Thu cách mạng: “Ở buôn làng cây ngã đã có dùi tựa lưng, rễ khô đã có nguồn nước mát. Khắp Bắc-Trung-Nam không có ai như Bác Hồ. Cây một gốc đã thành rừng, mây bụi thành vườn. Mặt trời thua ánh sáng, dòng nước kém trong, núi cao, rừng xanh ghen với Người...”.
Trong những năm tháng đất nước còn bị chia cắt, bằng nhiều con đường, có rất nhiều người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên được ra miền bắc học tập, công tác. Họ có nhiều cơ hội được gặp Bác, được nghe Bác ân cần dặn dò. Bà Nay H’Win, dân tộc Gia Rai, nguyên là diễn viên Đoàn văn công Tây Nguyên nhớ lại: “Tôi được gặp Bác ba lần. Lần sau cùng, khi biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác và đoàn khách nước ngoài xem, Bác hỏi: “Sao độ này cháu H’Win gầy thế, cháu Kim Nhớ đi đâu, sao hôm nay không có mặt?”. Bằng giọng ấm áp, Bác bảo: “Các cháu cần ăn nhiều vào và mặc cho ấm. Mùa đông ở miền bắc lạnh lắm dễ bị sưng phổi...”. Tôi thưa với Bác là chị Kim Nhớ bận đi học, Bác hỏi “Học gì?”. Tôi thưa: “Dạ, học văn hóa ạ!”. Bác bảo chúng tôi: “Các cháu cần phải học thật tốt, để sau này về giúp đồng bào Tây Nguyên”. Lần ấy Bác đã gửi tặng mỗi người một chiếc áo dạ ấm”. Ông Ksor Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum, hồi ức: “Một ngày đầu tháng 6/1946, tôi và anh Y Ngông Niêk Đam được vào gặp Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình đồng bào Tây Nguyên. Y Ngông nói: “Thưa Bác, giặc Pháp đánh chiếm Tây Nguyên rồi, chúng cháu buồn lắm, lo lắm!”. Tôi nói tiếp: “Thưa Bác, giặc Pháp chiếm Tây Nguyên, chúng ta có đánh đuổi giặc Pháp lấy lại Tây Nguyên không?”. Bác trả lời: “Có chứ, vì Tây Nguyên là một bộ phận của Việt Nam, nếu Việt Nam được độc lập rồi Tây Nguyên cũng phải được độc lập. Nếu Tây Nguyên bị giặc Pháp chiếm đóng, chúng ta phải tiếp tục đánh giặc Pháp để giải phóng Tây Nguyên, có vậy Việt Nam mới được độc lập hoàn toàn”. Bác xòe bàn tay phải của mình cho chúng tôi xem, rồi tiếp: “Một bàn tay hoàn chỉnh có năm ngón, nếu thiếu một ngón thì bàn tay không hoàn chỉnh. Cũng như Việt Nam được độc lập thì Tây Nguyên phải độc lập, vì Tây Nguyên là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam...”.
Ở vùng nam Tây Nguyên, chị Chamalé Thắm, người Raklây, nguyên cán bộ phụ nữ xã Ka Đô (Đơn Dương, Lâm Đồng), được ra thăm miền bắc, thăm Bác năm 1960. Mười chín tuổi, Thắm đã tham gia gùi đạn, gùi gạo cho quân giải phóng đánh hàng trăm trận, đã cầm súng trực tiếp chiến đấu nên chị có được vinh dự to lớn ấy. Chiến tranh khốc liệt, đoàn của Thắm hành quân ròng rã suốt tám tháng trời mới về tới Thủ đô. Ở miền bắc, đoàn của chị được thăm nhiều danh lam, thắng cảnh; thăm Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà in Báo Nhân Dân, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, thành phố Hải Phòng và Khu tự trị Tây Bắc. Trước Quốc khánh một ngày, ngày 1/9/1960, đoàn đại biểu miền nam đã vào Phủ Chủ tịch để được ấm áp trong vòng tay vị Cha già Dân tộc. “Tôi không bao giờ quên những giây phút hạnh phúc được ở bên cạnh Bác. Đó là hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình!”- Chị Chamalé Thắm xúc động...
“Hồ Chí Minh kis jol rai!”
Trong một lần về xã Lộc An (Bảo Lâm, Lâm Đồng), chúng tôi được già làng K’Hành, một chiến sĩ cách mạng, nguyên cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Lộc (cũ), kể lại: Vùng KDòn xưa là căn cứ cách mạng đầu tiên ở phía nam tỉnh Lâm Đồng, nơi cư trú của đồng bào Cơ Ho. Ở đây, nhiều đội công tác đã đến với đồng bào, xây dựng lực lượng, lãnh đạo phong trào cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Người dân KDòn sớm quen với hai tiếng Việt Minh, được tiếp xúc với “cán bộ Cụ Hồ”. Mặc dù chỉ được nghe những mẩu chuyện về Bác, nhưng hình ảnh Bác đã in đậm trong trí nhớ của mọi người.
Trong những năm 1947-1948, giặc Pháp từ các đồn La Dày, Gia Bát thường xuyên mở các cuộc càn quét, tìm bắt cán bộ cách mạng. Trong những ngày đó, giặc Pháp đã bắt được đồng chí Mang Yệu, một cán bộ người dân tộc Cơ Ho. Mặc cho thân hình đầy thương tích vì bị địch tra tấn, đồng chí kiên cường không khai báo nửa lời. “Việt Minh ở đâu?”. Tên đồn trưởng Gerger Marchand, thét hỏi. Mang Yệu điềm nhiên chỉ vào bụng mình: “Việt Minh trong cái bụng tao! Hồ Chí Minh ở trong tim tao!”. Tên giặc điên cuồng lăm lăm con dao găm xông lại, người đồng chí vẫn kiên cường, hiên ngang đứng đó, mắt mở to hướng về phía đồng bào. Khi Gerger Marchand đến trước mặt anh, Mang Yệu giật phăng mảnh áo đang mặc trên người, nhổ nước bọt vào mặt tên thực dân. Tên giặc gầm lên, hèn hạ đâm lưỡi dao vào ngực người cán bộ. Hắn hét: “Để tao xem Việt Minh mày giấu ở đâu!?... Hồ Chí Minh của mày ở đâu!?...”. Dòng máu đỏ tuôn trào, đồng chí Mang Yệu hứng máu mình vào lòng bàn tay ngắm nhìn, rồi đột ngột ném vào mặt Gerger Marchand. Nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, anh quát: “Chúng mày là những kẻ cướp nước, đồng bào tao sẽ không tha cho chúng mày đâu! Tao chết, nhưng Bác Hồ tao còn, các đồng chí tao còn sẽ trả thù cho tao!”. Nói rồi Mang Yệu gượng đứng thẳng người, dồn tất cả sức lực còn lại hô lớn: “Hồ Chí Minh kis jol rai! (Hồ Chí Minh sống mãi!) Hồ Chí Minh kis jol rai! Hồ Chí Minh kis jol rai!”...
Tiếng gọi Bác của anh vọng vào vách núi vang xa, vang mãi. Khâm phục và cảm động trước sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Mang Yệu, đồng chí, đồng bào đã thề quyết trả thù cho anh, xây dựng vùng KDòn thành một khu căn cứ vững mạnh và lấy tên anh đặt cho căn cứ cách mạng quê hương.
Đối với đồng chí Vũ Anh Ba, một cán bộ cách mạng hoạt động ở vùng căn cứ Lộc Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cho đến giờ kỷ niệm xúc động vẫn còn đậm nguyên. Một buổi tối tháng 10/1961, đội công tác của đồng chí Ba tìm vào chòi rẫy của dân giữa rừng. Nghe tiếng động, cụ già K’Xur chủ rẫy lên tiếng: “Ai?”- “Chúng cháu chào già! Trời lạnh quá ghé vào xin già tí lửa hút thuốc cho ấm”- đồng chí Ba đáp lại. Câu chuyện của những người cán bộ cách mạng và cụ già người Mạ kéo dài suốt đêm. Điều đặc biệt, đồng chí Vũ Anh Ba đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến tình cảm của một người dân tộc thiểu số giữa rừng già Tây Nguyên đối với Bác Hồ. “Thưa già! Chúng cháu nói thiệt, chúng cháu không phải là người của Quốc gia (ý chỉ chính quyền Việt Nam Cộng hòa-PV) mà là người của Woa Hồ (Bác Hồ). Chúng cháu đang ở ngoài rừng, chờ đến đêm tìm vào buôn để gặp bà con, mong bà con có cái bụng tốt, ủng hộ Cách mạng. Cháu ghé thăm già và chuyển lời Woa Hồ gửi thăm đồng bào”- đồng chí Ba mạnh dạn mở lời. Nghe nói đến hai tiếng Woa Hồ, cụ K’Xur xúc động nhưng vẫn còn chưa tin hẳn. Nghĩ lát, cụ nói: “Mày nói mày là người của Woa Hồ, vậy có cái gì của Woa Hồ không?”. Trong lòng Vũ Anh Ba mừng rỡ, rất may, trong túi của đồng chí có tập lịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, hình Bác Hồ được in ở trang đầu.
Cụ K’Xur đón tấm lịch, cụ ngắm ảnh Bác và từ từ đưa tấm chân dung lãnh tụ kính yêu áp lên ngực mình. Giọng cụ trầm lặng: “Giàng ơi! Đã lâu lắm rồi, từ hồi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, nay mới nhìn thấy Woa Hồ”. Nói rồi cụ nắm chặt bàn tay người cán bộ: “Từ nay tao tin, tao thương cán bộ của Woa Hồ như người thân của buôn làng mình. Tụi mày cần gì cứ nói, tao sẽ bảo con cháu buôn làng góp sức với Cách mạng. Tao, chúng mày và bà con buôn làng đều là người của Woa Hồ cả mà!...”.