Chỉ trong thời gian ngắn, liên tục các đường dây sản xuất sữa giả, thuốc giả, nhất là các sản phẩm thực phẩm chức năng giả, đã bị cơ quan công an phát hiện, đấu tranh triệt phá. Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa xác định hai sản phẩm Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Herbitech (Sóc Sơn, Hà Nội) là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Tràn lan vi phạm
Baby Shark - một trong những sản phẩm được công bố là bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ sơ sinh bị gày yếu, đề kháng kém, biếng ăn. Từ năm 2016, nhóm làm hàng giả này đã thành lập, điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói bao bì, tiêu thụ trên thị trường. Nhóm sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu... nhưng trên thực tế sản phẩm chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, mua trôi nổi trên thị trường. Điều khiến dư luận hết sức bất bình chính là nhóm này đã nhắm tới nhóm khách hàng là người già, trẻ em.
Ngày 3/5 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã phát hiện trên một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website, trang mạng xã hội đang kinh doanh, quảng cáo hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen. Cục yêu cầu tháo gỡ quảng cáo trên sàn giao dịch điện tử đối với hai thực phẩm bảo vệ sức khỏe này, và thu hồi do có chứa chất cấm đã được cảnh báo từ trước - sibutramine. “Đây là loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, chứa hoạt chất có tác dụng giúp người béo phì giảm cân nhưng lại ảnh hưởng xấu tới tim mạch, đặc biệt nguy hiểm với những người có tiền sử bệnh động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim, huyết áp cao hoặc đột quỵ”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Theo Cục An toàn thực phẩm, từ ngày 1/1 đến 14/4/2025, Cục đã xử phạt năm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với bảy hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt gần 370 triệu đồng. Trước đó, năm 2024, cơ quan chức năng đã thanh tra 66 cơ sở thực phẩm chức năng, xử phạt 21 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 12,2 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu của các cơ sở là quảng cáo sai sự thật, nhãn mác, chất lượng không đạt chuẩn, công bố sản phẩm sai quy định. Một số vụ nghiêm trọng đã được chuyển cơ quan công an xử lý.
Siết chặt quản lý, nâng cao năng lực hậu kiểm
Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, thực phẩm chức năng là những sản phẩm thực phẩm được sử dụng nhằm hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, gồm ba nhóm chính là: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học.
Phân tích về tình trạng sản phẩm giả trôi nổi trên thị trường thực phẩm chức năng, TS Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ, nhiều cơ sở chưa đăng ký, chưa công bố sản phẩm nhưng vẫn quảng cáo, phân phối, khiến người tiêu dùng bị lạc vào ma trận của những chiêu trò tiếp thị. Thực tế, doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở từ cơ chế “tự công bố” chất lượng để đưa sản phẩm kém chất lượng, giả mạo ra thị trường.
Bởi theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp chỉ cần kiểm nghiệm đủ chỉ tiêu an toàn là được phép tự công bố sản phẩm, bất kể chất lượng thực tế. TS Trần Việt Nga thừa nhận, sau bảy năm, cơ chế này bộc lộ nhiều lỗ hổng, khiến sản phẩm kém chất lượng lưu hành tràn lan, gây khó khăn cho hậu kiểm. Mặt khác, việc hậu kiểm còn hạn chế do thiếu nhân lực, thiết bị, kinh phí, trong khi số lượng sản phẩm ngày càng tăng và đa dạng. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn làm giả ngay từ bước đầu tiên khi chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường. Trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Herbitech nêu trên là thí dụ điển hình. Công ty này đã làm giả hồ sơ kiểm nghiệm, để đưa sản phẩm không đúng như công bố ra thị trường. Thậm chí, sản phẩm không đạt chuẩn cũng được “sửa” thành đạt chuẩn để qua mắt lực lượng chức năng.
Vì vậy, đã đến lúc không thể dựa vào ý thức tự giác của doanh nghiệp trong việc kinh doanh, sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng như hiện nay. Từ góc nhìn này, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đề xuất, cần bắt buộc doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm phương pháp kiểm nghiệm để phân biệt đơn vị làm thật và làm giả. Đồng thời siết chặt quản lý, ngăn chặn sản phẩm giả và bảo vệ sức khỏe người dân. Mặt khác, cần có quy định chặt chẽ hơn về tần suất hậu kiểm, tỷ lệ lấy mẫu, mức độ giám sát đặc biệt với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe này. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ về đầu mối chịu trách nhiệm, cụ thể đến từng cá nhân, đơn vị và thiết lập cơ chế kiểm tra minh bạch.
Với người tiêu dùng, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, khuyến cáo, hãy là người tiêu dùng thông thái, cần tìm hiểu nguồn gốc, tác dụng sản phẩm trước khi quyết định sử dụng. Khi sử dụng thực phẩm chức năng hãy thật sự lắng nghe cơ thể mình nếu cảm nhận khác thường nên dừng lại ngay lập tức.
Ngày 6/5, Cục An toàn thực phẩm có công văn gửi Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, đề nghị tăng cường kiểm tra, hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng và yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan.