Giám sát bếp ăn tập thể, cần liên tục, thường xuyên!

Liên tiếp những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các trường học diễn ra ở một số địa phương, gây lo ngại trong nhân dân. Gần nhất, ngày 10/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 22 học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Quận 7) bị ngộ độc thực phẩm, xuất hiện các triệu chứng nôn ói, đau bụng… trong đó một học sinh phải nhập viện.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: Cổng Thông tin Bộ Y tế
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: Cổng Thông tin Bộ Y tế

Trước đó, ngày 6/4, 33 học sinh, giáo viên và tình nguyện viên tham gia sự kiện tại Trường đại học Đồng Tháp bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, phải nhập viện được chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa, theo dõi ngộ độc thực phẩm.

Theo các chuyên gia, bếp ăn tập thể thường chế biến với lượng lớn suất ăn, do đó nguồn nguyên liệu thường được mua dự trữ sẵn để tiện chế biến. Trong quá trình dự trữ nguyên liệu nếu không bảo đảm dễ dẫn đến hư hỏng. Vì vậy để bảo đảm an toàn trong bếp ăn tập thể, nguồn nguyên liệu đầu vào phải rõ ràng, hạn chế dự trữ nhiều, ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với những nhà cung cấp uy tín. Bên cạnh đó, phải có hệ thống thiết bị bảo quản tốt, môi trường sạch sẽ, và lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch số 337/KH-BCĐTƯATT triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, kéo dài từ ngày 15/4 đến 15/5.

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan, từ ngày 15/4 đến 15/5 tổ chức năm đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Điện Biên và Lai Châu.

Hiện nay, các hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, cửa hàng ăn uống... sẽ bị xử phạt theo hành vi. Trong đó các hành vi có mức xử phạt cao nhất với cá nhân lên tới 100 triệu đồng, với tổ chức mức cao nhất tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần tăng mức chế tài xử phạt. Như mới đây, Sở Y tế Hà Nội đề xuất tăng mức phạt với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm lên gấp đôi so mức phạt quy định trong các nghị định hiện hành, nhằm tạo sức răn đe mạnh mẽ.

Cùng đó, bảo đảm an toàn thực phẩm là hoạt động cần được triển khai thường xuyên, không phải chỉ trong một Tháng hành động. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học cần triển khai liên tục, để bảo đảm các thế hệ tương lai của đất nước được “ăn sạch và ăn đủ”.

Muốn vậy, các nhà quản lý cần tăng cường kiểm tra kết hợp tuyên truyền hướng dẫn các cấp, cơ sở ăn uống, hiệu trưởng các trường học, đơn vị cung cấp thực phẩm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và kịp thời cảnh báo, xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm.