Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi xác nhận các cuộc đàm phán với phái đoàn Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran là “phức tạp”. Ông nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán quá phức tạp để có thể giải quyết chỉ trong hai hoặc ba cuộc họp”, song có tiềm năng đạt được tiến triển sau khi Oman đưa ra một số đề xuất. Trong khi đó, Mỹ thông báo vòng đàm phán hạt nhân mới nhất giữa nước này và Iran tuy chưa đột phá nhưng có triển vọng đạt được một thỏa thuận. Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, cuộc đàm phán “mang tính xây dựng”, hai nước đã đạt được thêm tiến triển song vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran, bắt đầu từ tháng 4, là cấp độ tiếp xúc cao nhất giữa hai bên kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. Từ khi trở lại nắm quyền, ông Trump tiếp tục chiến dịch “gây áp lực tối đa” với Iran, ủng hộ đối thoại nhưng cảnh báo sẵn sàng hành động quân sự nếu ngoại giao thất bại. Trong khi đó, Tehran mong muốn đạt một thỏa thuận mới nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt vốn đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế nước này.
Trong vòng đàm phán trước đó tại Thủ đô Muscat của Oman, hai bên xảy ra tranh cãi công khai về vấn đề làm giàu urani. Washington tuyên bố “không thể cho phép làm giàu dù chỉ 1%” trong khi Tehran gọi đây là "lằn ranh đỏ", viện dẫn quyền lợi của mình theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trước thềm cuộc đàm phán ngày 23/5, ông Araghchi cho biết, vẫn còn “những khác biệt căn bản” với Mỹ, song Iran sẵn sàng cho phép tăng cường thanh sát tại các cơ sở hạt nhân.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 còn có tên gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), nhằm xoa dịu lo ngại của phương Tây rằng, Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân - điều Tehran luôn bác bỏ. Đổi lại, Iran nhận được sự dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, thỏa thuận bị phá vỡ năm 2018 khi Mỹ đơn phương rút lui và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt. Iran sau đó đã tăng cường các hoạt động làm giàu urani. Hiện, Iran làm giàu urani tới mức 60% - vượt xa giới hạn 3,67% của thỏa thuận ban đầu, tuy vẫn dưới ngưỡng 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Dù chưa có bước đột phá song vòng đàm phán mới được xem là bước đệm cần thiết nhằm giúp Mỹ và Iran từng bước xây dựng lòng tin, hướng tới đạt được một thỏa thuận hạt nhân lâu dài.