Bỉ xúc tiến thành lập chính phủ

Cung điện Hoàng gia Bỉ thông báo, Vua Philippe đã chỉ định một nhà đàm phán mới để tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm thành lập chính phủ tại Bỉ, sau khi vòng đàm phán đầu tiên thất bại.
Chính trị gia Maxime Prévot (giữa) được Vua Philippe chỉ định làm nhà đàm phán mới. Ảnh: AFP
Chính trị gia Maxime Prévot (giữa) được Vua Philippe chỉ định làm nhà đàm phán mới. Ảnh: AFP

Hòa giải giữa 5 chính đảng

Vua Philippe đã giao cho chính trị gia Maxime Prévot, lãnh đạo đảng Les Engagés (theo đường lối trung dung của cộng đồng nói tiếng Pháp), nhiệm vụ trung gian hòa giải giữa 5 đảng chính trị Bỉ, những người đã bày tỏ sự sẵn sàng thành lập Liên minh Arizona vào tháng 7, sau cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 6. Nhà đàm phán mới sẽ báo cáo lại kết quả với Vua Philippe vào ngày 2/9. Tuy nhiên, quá trình đàm phán có thể kéo dài sau thời hạn chót. Bỉ hiện giữ “kỷ lục thế giới” về thời hạn thành lập chính phủ lâu nhất, với 541 ngày trong giai đoạn 2010-2011.

Vòng đàm phán đầu tiên do lãnh đạo đảng N-VA (đảng theo chủ nghĩa dân tộc Liên minh Flemish mới) Bart De Wever dẫn dắt đã không đạt đồng thuận và ông đã quyết định trao trả nhiệm vụ cho Vua Philippe vào tối 22/8. Ngoài Les Engagés và N-VA, ba đảng khác cũng đã đồng ý tham gia cuộc đàm phán, gồm đảng Phong trào cải cách (MR) theo đường lối tự do, đứng đầu ở vùng Brussels, vùng nói tiếng Pháp Wallonia và hai đảng của cộng đồng nói tiếng Hà Lan là đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CD&V) và Vooruit (Tiến bước, theo đường lối xã hội trung tả), đại diện phe đối lập. Mặc dù cuộc đàm phán đầu tiên thất bại, Vua Philippe vẫn triệu tập các đảng phái tham gia vòng đàm phán mới hôm 23/8, loại bỏ khả năng thành lập một liên minh khác.

Cuộc bầu cử lập pháp ngày 9/6 tại Bỉ diễn ra cùng cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), đã chứng kiến chiến thắng của phe cánh hữu và trung hữu, với sự liên kết giữa Wallonia (vùng nói tiếng Pháp ở phía nam) và Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan ở phía bắc), nơi cánh hữu truyền thống chiếm ưu thế.

Bất đồng về chính sách thuế

Các cuộc đàm phán đầu tiên bắt đầu vào tháng 7 đã vấp phải bế tắc trong vấn đề thuế, khi các đảng tự do vùng nói tiếng Pháp phản đối đề xuất đánh thuế vào lợi nhuận vốn do đảng Vooruit đưa ra.

Chính trị gia Bart De Wever là người được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới tại Bỉ đã quyết định từ bỏ nhiệm vụ này sau khi những cuộc đàm phán thành lập liên minh kéo dài nhiều tuần bất thành, đẩy đất nước đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Theo truyền thông Bỉ, các đại diện của 5 đảng tham gia đàm phán đã không thể thống nhất đề xuất của ông De Wever và quyết định đình chỉ các cuộc đàm phán vào sáng 19/8.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ này là bất đồng sâu sắc giữa các đảng về kế hoạch cải cách thuế. Cụ thể, MR và Vooruit đã không thể tìm được tiếng nói chung về việc tăng thuế. MR cho rằng, các đề xuất hiện tại quá nặng nề đối với doanh nghiệp và người dân, trong khi Vooruit muốn mở rộng phạm vi đánh thuế để có được nguồn thu lớn hơn.

Theo kế hoạch cải cách ban đầu, Chính phủ Bỉ dự kiến sẽ giảm thuế suất vào năm 2029, nhưng trong giai đoạn đầu lại tăng nhiều loại thuế mới. Cụ thể, gói cải cách dự kiến sẽ tăng thuế lên tới 2 tỷ euro đối với thực phẩm do chính sách nâng cao mức thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 6% lên 9%, áp dụng cho các mặt hàng như thịt, bánh mì và trứng. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu cũng sẽ tăng lên.

Đáng chú ý là đề xuất tăng thuế trên vốn - vấn đề gây ra nhiều tranh cãi nhất trong những cuộc đàm phán. MR chỉ muốn đánh thuế trên các giao dịch chứng khoán, trong khi Vooruit muốn mở rộng phạm vi đánh thuế - bao gồm cả việc bán lại doanh nghiệp - nhằm tạo ra một loại thuế vốn lớn hơn. MR nhấn mạnh gói thuế mới, có thể lên đến 5,5 tỷ euro, sẽ tác động đáng kể đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc không đạt được thỏa thuận về cải cách thuế đã khiến cuộc đàm phán đầu tiên đi vào ngõ cụt, đẩy Bỉ rơi vào tình trạng mất ổn định chính trị. Dù Bỉ đã gia hạn đàm phán thành lập chính phủ liên minh, song mục tiêu thành lập chính phủ mới trong thời gian ngắn là không hề dễ dàng.