Nhưng bước vào cuốn sách dày dặn này, thấy thơ vẫn thấp thoáng hiện diện và le lói đợi chờ trong nhiều năm bận rộn. Để từ “nhặt dọc đường”, có thể tin nhiều hơn vào con đường thơ gọi chân bước xa hơn về phía trước.
1. Đặt thơ vào con đường tình yêu trong trải lòng của nhà thơ thì dường như tình yêu không tuổi và nhiều câu thơ luôn trẻ. Cũng đồng cảm với tâm trạng bao người khác khi mà đã yêu không tính gì tuổi tác, thế hệ; yêu không phân biệt giai đoạn đời người, tình yêu trong nhiều bài thơ Thuận Hữu có nhiều trạng thái. Nói riêng về “những phút xao lòng” trong thơ ông, sẽ kê được cả một “danh mục” diễn biến tâm lý người đang yêu.
Đó là yêu khắc khoải trong nỗi nhớ: “Thu Yên Bái và em vào máy ảnh/Anh mang theo về rút ngắn những ngày xa” (Yên Bái thân thương).
Là yêu để thấy lòng mình chống chếnh, cô đơn: “Giấc ngủ chập chờn có dòng sông chảy giữa/Tình em biến ta thành một cù lao nhỏ” (Về một dòng sông).
Là yêu để mình như tái sinh vậy, dẫu ở cái quãng mà “Đã đến tuổi anh thích con đường vắng”, thì “Gặp con đường vừa qua như vẫn lạ/Thành phố của tình yêu đầy mới mẻ/Những ngọn đèn đêm ngơ ngác dõi phố phường” (Đường yêu). Như là thanh xuân lại, cảm xúc làm xanh tuổi tác, làm mới lại tâm hồn. Bài thơ kết lại như lan xa, bay lên: “Những con đường dắt nỗi nhớ những người yêu…”.
Và cũng là yêu, để tin tưởng sống, là lấy tin yêu làm chỗ dựa; thương nhớ và chờ đợi truyền cho mình nghị lực. Cho nên dù phải “Đêm anh ngủ ôm vào mình khoảng trống”, thì “em vẫn là em gần gụi lắm/Em là máu trong người làm sự sống nuôi anh” (Viết cho em).
Nhắc đến hình tượng con đường và dòng máu trong người đó, người viết bài này lấy làm thú vị với những suy tưởng đầy tính hòa quyện trong mạch cảm xúc của tác giả. Từ đồng điệu giữa hai đầu nỗi nhớ, hai tâm hồn gửi trao, dẫn đến chuyển hóa ngọt ngào. Đó là chuyển động đắm say của cảm xúc. Còn với việc cầm bút, đó là cảm hứng để làm tươi mới, “lạ hóa” những mô tả. Bài “Tiễn em” nối mạch chuyển hóa đó khi cả nỗi nhớ cũng được tượng hình như hai người bên nhau, theo nhau:
“Em ra đi, thương nhớ về vây chặt
Thương nhớ này dìu dắt nhớ thương kia”.
2. “Danh mục” trạng thái yêu của thi nhân cũng phát triển đến cả những xúc cảm khó ngờ: “Muôn thuở người yêu nhau luôn vẫn mới/Mới cả nhớ thương khi nghĩ về người yêu cũ” (Kỳ diệu tình yêu). Vậy là, kể cả khi đã từng yêu và không yêu ai đó nữa thì cái “tình yêu đã từng” kia vẫn có trạng thái đang tiếp diễn của nó. Nghĩa là vẫn còn… yêu! Về điều này thì bài thơ “Những phút xao lòng” của nhà thơ Thuận Hữu được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích cũng đã chạm đến từ nhiều năm trước, nhưng là đặt trong đối thoại ngầm giữa hai người bạn đời hiện tại bên nhau. Còn “Mới cả nhớ thương khi nghĩ về người yêu cũ” thì đúng là một đối thoại ngầm táo bạo với người đã xa.
Còn phải đưa vào “danh mục yêu” cả sự si mê ích kỷ một cách “khó mà trách được” khi người trai trong thơ nói với những người trai khác đang theo đuổi cô gái mà tất cả cùng say mê: “Tha lỗi cho tôi những người yêu em nhé/Bởi ngoài nàng tôi chẳng có còn ai” (Tết nhớ).
Biết làm sao được, khi mà “Em như phút Giao thừa đầy mới mẻ”, khi mà… cũng thật táo bạo, vượt qua những khung khổ nào đó vốn mặc định trong nếp nghĩ đời thường: “Chưa được ngắm nhìn nhau thật kỹ/Chưa được hôn nhau dù chỉ một lần/Mà sao thân thiết hơn chồng vợ/Anh nghĩ về em hơn cả bản thân mình” (Tâm sự). Và còn nữa, những tiếc nhớ day dứt nhiều năm khi người yêu ra đi không lý giải; những khoảnh khắc rất thành thực khi giữa ngày bộn bề mà trái tim cứ bị nỗi nhớ quấy rầy như một thứ phiền phức khó chịu và dịu ngọt…
Tất cả những rung động đó trong “danh mục yêu” được tác giả diễn đạt bằng những hình ảnh phóng khoáng ôm chứa tình cảm nồng nhiệt. Có thể lấy hai câu thơ trong bài “Yêu biển” làm đại diện cho tập hợp những rung động đó:
“Những trái tim loạn nhịp dưới bầu trời
Máu như sóng lùa bến bờ thân thể”.
![]() |
3. Tất nhiên, nói về “thế mạnh thơ tình” của nhà thơ Thuận Hữu là chưa thể đủ. Thậm chí, tình yêu đôi lứa tưởng riêng tư ấy có thể được lý giải sâu rộng thêm bằng ấn tượng về những không gian lớn của thiên nhiên, mảnh đất, con người mà cuộc sống người thơ đã trải nghiệm, con mắt người thơ đã chiêm ngưỡng, bước chân người thơ đã cuốn theo. Tuổi thơ làng biển, một chặng dài sống và làm việc nơi thành phố biển, những tháng năm nghề nghiệp vươn theo những cung đường, cả trước đó khi là một người lính lên đường bảo vệ Tổ quốc…, tất cả chặng dài đó của không gian sống, cuộc sống, chất sống và cả chất người hòa hợp vào đó nữa, đã đem đến cho thơ những suy nghĩ khoáng đạt, và “nhuốm” cả vào thơ tình.
Đến với những chủ đề khác trong tập thơ gom chứa nhiều điều này, nhận ra bằng ngôn từ giản dị, nhà thơ tạo hình khung cảnh phóng khoáng trong nhiều câu thơ, khổ thơ. Nhân vật chủ thể trong các bài thơ đặt vào đó những khám phá, trải nghiệm, những suy tưởng và không ít nỗi niềm, để thiên nhiên hào sảng đất, trời, biển, núi cũng cùng người mang nặng tâm tư, thiết tha. Nhiều hình ảnh được phác nên như những bức tranh thoáng nét, gợi thêm những chiều tâm tưởng cho người đọc hình dung. Mấy câu thơ sau đây trong số nhiều câu khác đã nói lên điều đó:
“Nơi dãy núi một thời toan vượt biển” (Chỗ con đường gặp biển).
“Bao giờ anh nhổ neo ra đi như con tàu ấy nhỉ/Đại dương bao la con sóng vỗ phương nào” (Đà Nẵng những ngày đầu).
Nhiều trường hợp, nhà thơ không tách biệt cảnh vật - con người. Những đối tượng được mô tả đó trong thơ ông giao hòa. Con người nồng vị biển; cánh buồm như hình ảnh cha về khơi; tuổi trẻ thu vào mình bờ cát lấm, dải rừng xa; người yêu nhau lẫn không khí lành lạnh Noel; trong thương mến, tủi hờn cũng phảng phất mùi vị năm tháng ngược xuôi, bộn bề thế sự... Thiên nhiên, sự vật được gắn nối với tâm trạng sống, ý thức sống con người, nên cả hai đối tượng đó nhiều lần hiện lên sống động, rung cảm. Trong bài thơ “Chuyện ở Trường Sa”, một bài thơ không dài mà gom gọn cả một câu chuyện, tác giả đọc ra đặc trưng đời sống người lính, nhiều khi không thiếu điều gì, chỉ khát khao tình cảm:
“Ở đây san hô được nâng niu trong phòng khách
Ở đây san hô hóa đất đai che chở cho người
Đời lính thủy có biển trời, hào phóng
Chỉ thiếu cái dịu dàng để chở che thôi”.
Vậy mà cái dịu dàng hiếm hoi đó - là tấm ảnh một cô gái cắt ra từ họa báo dán lên vách cho cả tiểu đội cùng “chở che”, cũng bị gió cuốn bay đi mất. Tiếc thế, mà cũng thật bất ngờ:
“Trái tim lính - thủy chung và cao thượng
Cô gái đi mấy hôm cả tiểu đội tôi buồn
Nhưng chúng tôi có một điều an ủi
Nếu cô ấy trở về, bao đồng đội buồn hơn”.
Suy nghĩ sẻ chia vẫn còn lóe lên trong mất mát nho nhỏ đó. Lại càng thấy quý thêm niềm thương mến giữa những người lính, trân trọng cái cách mà họ chắt chiu chút gì quý báu có được. Đấy là cái tinh tế mà nhà thơ phát hiện ra giữa rất nhiều người đã đặt bút làm thơ về người lính, lính biển, lính đảo. Và cũng như thế, nhưng thẳng, thật, nghẹn lòng khi nhà thơ gợi nhắc đến giây phút Giao thừa đầm ấm trong những ngôi nhà mãi mãi vắng người đã nằm lại nơi chiến trường: “Xuân thiêng liêng và tàn nhẫn/Trên khói hương nghi ngút những bàn thờ” (Xuân vẫn đến).
4. Cũng thật lắm và như có gì nhưng nhức, hơi tê tái là những thoáng nỗi niềm thế sự, nỗi niềm thân phận, những bùi ngùi trong đời sống ồn ã nhiều khi khó nói ra, tuy tác giả có thể cố ý không đưa nhiều vào tập thơ “Nhặt dọc đường”. Mong sẽ còn thêm nhiều bài thơ khác cho những tâm sự với cuộc đời này. Bởi có thể giật mình khi đọc những câu thơ như “Chúng ta khôn ngoan, chúng ta hiểu biết/Sao trước mặt nhau lại cứ giả vờ” (Rượu chia tay), “Thời gian vẽ nét chì trên khuôn mặt/Những nét chì cong queo ngờ nghệch/Đồ thị cuộc đời khắc nghiệt thế sao?” (Nếu mẹ biết). Trong bài thơ nhiều dằn vặt, hoài niệm, nhớ tiếc đó, tưởng chỉ có tâm sự của mình với mẹ, với người yêu xưa, mà không chỉ vậy. Thấp thoáng sau đó là đổi thay xa xót trong cuộc đời khi nhà thơ viết: “Cái thẹn thùng ngày xưa giờ đây không chân thật”, và cũng buồn lắm khi:
“Mẹ không muốn anh buồn nên cho phép anh đi
Mẹ giữ mãi nỗi buồn riêng của mẹ
Cho phép anh đi vì anh là tuổi trẻ
Nhưng nỗi lo con làm mẹ trở nên già”.
Buồn nữa khi ở bài thơ khác, người lính đến thăm bạn và nhận ra ở ngôi nhà sang trọng với cái nhìn nghi ngại của đồng đội cũ, rằng có gì đó năm xưa đã… chết rồi!
Như thế để thấy, đáng chờ đợi cho những tiếp nối nữa từ tập thơ “Nhặt dọc đường”; cho những phần khác nữa sau các phần “Quê hương - Đất nước”, “Người thân - Ký ức”, “Tình biển - Tình em” trong tập thơ này. Từ mạch thơ nồng nhiệt, chân thành, đợi thêm những trăn trở, bâng khuâng và mến yêu của nhà thơ Thuận Hữu với những người quanh mình, với cuộc đời, thời cuộc, như những nỗi gì còn ấp ủ trong ông:
“Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu
Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa” (Những con ốc biển).