Không chỉ số hóa thiết bị, thay đổi công nghệ, y tế số ở Ninh Bình đang trở thành một cuộc cải cách tư duy, quản trị và vận hành toàn ngành, từng bước đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu “Bệnh viện thông minh” mà Bộ Y tế đề ra.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN
Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số toàn diện. Dưới góc nhìn quản lý, Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện khẳng định, điểm đột phá then chốt là chuyển từ bệnh án giấy sang nền tảng nhập liệu di động theo chuẩn quốc tế SNOMED CT. Từ chỗ hồ sơ chỉ dùng để lưu trữ, nay đã được khai thác như một nguồn dữ liệu có cấu trúc phục vụ điều trị, quản lý và ra quyết định.
Toàn bộ hồ sơ bệnh án lâm sàng tại bệnh viện được nhập trực tiếp bằng thiết bị di động, máy tính bảng ngay tại giường bệnh. Các biểu mẫu hành chính, điều dưỡng, thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… đều đã được tự động hóa và chuẩn hóa. Việc áp dụng hệ thống mã hóa y khoa SNOMED CT giúp các chẩn đoán, triệu chứng, thủ thuật, thuốc… được mã hóa chuẩn mực, tạo tiền đề cho việc phân tích dữ liệu lâm sàng thông minh.
Lợi ích lớn nhất chính là khả năng quản trị điều hành theo thời gian thực. Ban Giám đốc có thể theo dõi trực tuyến số ca bệnh, công suất giường bệnh, hoạt động điều trị; các dữ liệu được lọc theo từng khoa, từng bác sĩ, thậm chí theo nhóm bệnh. Đây là một thay đổi mang tính “cách mạng” so với thời kỳ hồ sơ viết tay, lưu trữ bản giấy dẫn đến truy xuất khó khăn và báo cáo thủ công dễ sai lệch.
Không chỉ dừng ở yếu tố công nghệ, các bệnh viện ở Ninh Bình xác định phải chuyển đổi tư duy và phương pháp làm việc. “Chuyển đổi số không chỉ là thay thiết bị, mà là thay đổi cách nghĩ, cách phục vụ”, đó là nhận định của Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Văn Dậu, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình. Bác sĩ Dậu chia sẻ, thời gian qua, các khâu từ tiếp đón, khám bệnh, chỉ định cận lâm sàng, kê đơn thuốc đến thanh toán tại bệnh viện đều được tin học hóa thông qua hệ thống HIS, PACS. Việc tích hợp dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm y tế giúp giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi. Các công cụ điều hành như dashboard trực quan, hệ thống cảnh báo giường bệnh quá tải, xu hướng bệnh theo mùa… đang phát huy hiệu quả trong việc ra quyết định điều hành.
Một thí dụ điển hình là quy trình xét nghiệm, khi trước đây mỗi phiếu xét nghiệm phải chuyển tay qua nhiều bộ phận, mất rất nhiều thời gian; giờ đây toàn bộ quy trình chỉ định, phân tích và trả kết quả đều thực hiện trên hệ thống điện tử. Bệnh nhân có thể nhận kết quả ngay tại phòng khám, tiến tới là tra cứu kết quả từ xa qua hồ sơ bệnh án điện tử. Đặc biệt, phần mềm kiểm soát tồn kho thuốc theo thời gian thực đã giúp khoa Dược điều phối hợp lý, tránh lãng phí ngân sách; đồng thời bảo đảm an toàn điều trị, kiểm soát thuốc cận hạn, điều mà trước đây thường xuyên phát sinh sai sót.
NGƯỜI BỆNH LÀ TRUNG TÂM
Không khó để nhận thấy những thay đổi mà người bệnh đang được thụ hưởng tại các cơ sở y tế đã và đang chuyển đổi số. Bệnh nhân Lê Thị Minh Thịnh, một phụ nữ mang thai đang khám định kỳ tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình chia sẻ: “Trước kia mỗi lần đi khám phải cầm rất nhiều giấy tờ, mỗi nơi lại xếp hàng. Nay tôi chỉ cần quét mã QR là bệnh viện biết mình đã khám gì, dùng thuốc gì. Bác sĩ cũng có đầy đủ thông tin để khám nhanh, không còn hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Tôi thấy rất yên tâm và tiết kiệm thời gian”.
Không chỉ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, hiện nay công tác chuyển đổi số cũng đang được mở rộng về tuyến huyện và xã. Việc kết nối liên thông giữa các phần mềm chuyên ngành, xây dựng dữ liệu y tế cá nhân thống nhất đang dần hình thành một hệ sinh thái y tế số toàn tỉnh, nơi người bệnh là trung tâm, được chăm sóc liên tục và nhất quán.
Những bước tiến trong chuyển đổi số ngành y tế Ninh Bình không thể đạt được nếu không có sự chỉ đạo sâu sát và định hướng rõ ràng từ cấp tỉnh. Theo Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình Phạm Thị Phương Hạnh: “Ngành y tế xác định chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà là nhu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Chúng tôi đặt ra lộ trình rõ ràng cho từng cơ sở, từ hoàn thiện hồ sơ bệnh án điện tử, kết nối dữ liệu đến xây dựng bệnh viện không giấy tờ và tiến tới bệnh viện thông minh. Sở Y tế cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn chuyên đề, tăng cường kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện chuyển đổi số tại các đơn vị. Đồng thời phối hợp các sở, ngành liên quan để bảo đảm hạ tầng công nghệ, an toàn thông tin, an ninh mạng trong toàn ngành”.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy chuyển đổi số trong ngành y tế Ninh Bình không chỉ là nhiệm vụ, mà là hành trình cải cách sâu rộng vì lợi ích của người dân. Với định hướng đúng, cách làm bài bản và sự vào cuộc của toàn ngành, Ninh Bình đang dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thông minh, công bằng và lấy con người làm trung tâm.