Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh

Với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số và Đề án 06 góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giảm chi phí.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính tỉnh Hà Nam được đầu tư đồng bộ để phục vụ nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp.
Cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính tỉnh Hà Nam được đầu tư đồng bộ để phục vụ nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp.

Đồng thời, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Từ sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet phục vụ cho công tác này được tỉnh Hà Nam quan tâm đầu tư, phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. 100% khu vực dân cư được phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G, đang triển khai phủ sóng 5G tại một số khu vực.

Hà Nam là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình. Nhờ đó, đã tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, tạo sự công khai, minh bạch, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Hà Nam nằm trong nhóm đạt tỷ lệ cao về người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử (đạt gần 90%), đồng thời đứng đầu toàn quốc về kết quả bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến (đạt 100%).

Hà Nam cũng là một trong 8 tỉnh, thành phố thuộc nhóm đầu tiên đủ điều kiện triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID với tỷ lệ đạt trên 50%. Tổng số công dân trên địa bàn được cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp và thẻ căn cước đạt 99,5%. Kết quả kích hoạt tài khoản định danh điện tử của Hà Nam đạt 96%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ cao trên toàn quốc. Các sở, ngành, địa phương tập trung số hóa dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hoàn thành số hóa trên 681 nghìn dữ liệu hộ tịch (đạt 100%); làm sạch trên 2.300 dữ liệu giấy phép lái xe, tiếp nhận trên 8.600 hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; cập nhật và hình thành cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức tỉnh gồm trên 17 nghìn hồ sơ; thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt 100%.

Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh Hà Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Đó là: Hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai còn chậm; các nhiệm vụ, dự án về chuyển đổi số đã được bố trí kinh phí nhưng chưa hoàn thành; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn chưa hiệu quả.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, hoàn thành các chỉ tiêu về cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, đặc biệt là các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03 của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt việc cập nhật, bổ sung vào kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức triển khai, thực hiện bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo quy định.

Việc xây dựng kế hoạch phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Các cơ quan, đơn vị phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những đơn vị, cá nhân chậm trễ; triển khai thực hiện hiệu quả Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị liên quan cần chú trọng thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đặc biệt là tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa; thúc đẩy sử dụng đối với các dịch vụ công thiết yếu; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực; xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giảm phí “0 đồng” đối với giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; tập trung phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam để ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ số...

Về đô thị thông minh, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; huy động nguồn lực, hợp tác công-tư tranh thủ nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, triển khai dịch vụ mạng di động 5G; nâng cấp Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hà Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, đô thị liên thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ phát triển; tránh tư tưởng chờ sáp nhập xong mới làm; triển khai các nhiệm vụ trên tinh thần nghiêm túc nhất nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.