Ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học ở Vĩnh Phúc

Để chuyển đổi số toàn diện, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên và học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng AI dạy tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc.
Ứng dụng AI dạy tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc.

HỖ TRỢ ĐẮC LỰC HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC

Tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục, tất cả giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ xây dựng bài giảng, như: Powerpoint, Canva, iMindmap, Quizizz, Google Forms. Đặc biệt, việc khai thác các công cụ AI (ChatGPT, Grammarly, Quillbot...) được thực hiện thường xuyên, giúp giáo viên thiết kế nội dung giảng dạy khoa học, sinh động, phù hợp với năng lực học sinh. Đội ngũ giáo viên chủ động cập nhật, ứng dụng công nghệ trong đó có AI vào xây dựng ngân hàng đề thi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Cô Nguyễn Thị Thùy, giáo viên tiếng Anh đã mua những gói AI nâng cao để dạy học sinh và luyện thi IELTS, thấy hiệu suất công việc tăng rõ rệt. Em Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 10A13 chuyên Anh, đạt giải ba cuộc thi Học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh lớp 12 cho biết, em dùng ChatGPT từ hơn 1 năm trước, rất hữu ích đối với việc học tiếng Anh, nhất là kỹ năng viết.

Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cũng đưa hồ sơ của nhà trường, hồ sơ tổ chuyên môn và cá nhân lên hệ sinh thái giáo dục eDoc; sử dụng hàng chục phần mềm phục vụ công tác quản lý, dạy học, như các phần mềm quản lý ngân hàng đề thi trực tuyến, trộn đề thi, chấm thi và sổ liên lạc điện tử. Công nghệ AI được tích hợp vào hệ thống để hỗ trợ phân tích dữ liệu học tập, nhận diện lỗ hổng kiến thức; từ đó gợi ý bài tập, dạng đề phù hợp với từng nhóm học sinh. AI còn được sử dụng để tổ chức thi thử trực tuyến, có chức năng chấm điểm tự động và thống kê kết quả chi tiết.

Nhờ đó, học sinh được rèn luyện kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện giống như thực tế, nâng cao hiệu quả ôn tập. Thầy Nguyễn Đình Hùng, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Hầu hết giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học. Một số thầy cô sử dụng AI trong soạn giảng, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Trường sử dụng nhiều phần mềm miễn phí hỗ trợ học tập như K12Online của Viettel, SHub Classroom, Quizizz. AI hỗ trợ giáo viên rất đắc lực nhất là đối với các môn tiếng Anh, Địa lý, Toán.

Không chỉ ở cấp THPT, các trường THCS trên địa bàn tỉnh cũng chủ động ứng dụng công nghệ vào tổ chức kiểm tra định kỳ, thi thử vào lớp 10. Trường THCS Vĩnh Yên đã đầu tư hệ thống mạng nội bộ và đường truyền internet đến từng lớp học, phối hợp với Viettel triển khai hệ thống học thi trực tuyến K12Online. Các phòng học đều được trang bị máy chiếu. Học sinh và giáo viên có đủ phương tiện, đường truyền, phần mềm để tham gia vào các hoạt động dạy và học trực tuyến. Học sinh nắm bắt AI rất nhanh, hầu hết biết dùng ChatGPT để phục vụ học tập. Giáo viên thường xuyên chia sẻ những phần mềm, ứng dụng AI; một số giáo viên “nghiền” ChatGPT từ khi sản phẩm này mới xuất hiện.

Hiệu trưởng Triệu Thị Thanh Hà cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin trở thành công việc thông thường của giáo viên. Họ sử dụng AI trong thiết kế bài giảng mang tính sáng tạo, tổ chức các trò chơi, luyện đề cho học sinh lớp 9, hướng dẫn học sinh các câu lệnh tốt. Thầy giáo Bùi Tuấn Lợi là giáo viên toán tin, thành thạo về công nghệ thông tin khẳng định: AI hỗ trợ giáo viên rất nhiều. Có những ứng dụng như AI hay, học sinh chỉ cần chụp đề bài, gửi lên sẽ được hỗ trợ rất hiệu quả.

HÌNH THÀNH NĂNG LỰC SỐ CHO GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH

Để theo kịp thay đổi của kỹ thuật số, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc nhiều lần mời ông Nguyễn Song Nam, Giám đốc VLAB Innovation đến trường giới thiệu về AI. Trường dự kiến sẽ tập huấn AI cho toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường trong thời gian tới.

Hầu hết các trường THPT của Vĩnh Phúc sử dụng các phần mềm và AI trong công tác ôn thi, kiểm tra và đánh giá năng lực học sinh. Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên, thầy Lê Hồng Thái cho biết: Trường đã mời chuyên gia đến nói chuyện về AI. Đến nay, khoảng 50% giáo viên của trường sử dụng các công cụ AI trong công việc. Cần tiếp tục cải thiện nhận thức về AI của giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất đối với hạ tầng viễn thông, internet. Học sinh cần có thói quen dùng AI trong các hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy cho biết: Sở ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai chuyển đổi số đến các cơ sở giáo dục; tập huấn nâng cao năng lực số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Lãnh đạo sở tiến hành kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai chuyển đổi số tại các đơn vị thông qua hệ thống trực tuyến, cuối năm học đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các trường.

Đến nay, toàn bộ các cơ sở giáo dục sử dụng nền tảng quản trị nhà trường được thiết lập, kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu ngành, hệ thống dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển cao đẳng, đại học và hệ thống tuyển sinh đầu cấp học. Các cơ sở đều khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số và hệ thống thư viện tài nguyên giáo dục Vĩnh Phúc. Sở đang cấp tốc chỉ đạo triển khai học bạ số, chữ ký số. Khảo sát cho thấy, nhiều trường muốn được tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng AI, đồng bộ phần mềm tuyển sinh với phần mềm cơ sở dữ liệu. Một số trường đề xuất được bổ sung thiết bị phòng studio, hệ thống màn hình thông minh, hỗ trợ kinh phí thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng thư viện số.

Thời gian tới, ngành giáo dục Vĩnh Phúc sẽ tham mưu tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục; tăng cường các lớp bồi dưỡng, cập nhật kỹ năng số, năng lực số. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tích hợp các nền tảng quản lý thành cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ việc quản lý khi bỏ cấp huyện.