Xao xuyến với bún cơm nguội

Huế có nhiều món ăn sáng ngon, ấy vậy mà cơm nguội vẫn là thứ khiến nhiều người mê mẩn. Món cơm nguội được nhiều người bản xứ ưa chuộng và khách phương xa biết đến nhất là cơm hến. Nhưng tô bún giò cua kèm một chén cơm nguội thì chỉ một quán ven sông Hương mới có.

Tô bún kèm chén cơm nguội có giá 20 nghìn đồng.
Tô bún kèm chén cơm nguội có giá 20 nghìn đồng.

1/ Người tìm đến với cơm nguội phần lớn là lao động nghèo, ăn thêm để chắc bụng cho một ngày làm việc, nhưng một số người điều kiện sống tốt vẫn tìm đến với cơm nguội như để gợi nhớ, tìm về một thời khốn khó xưa. 

Ngoài cơm hến, nhắc đến bún cơm nguội phải nghĩ đến quán Cảnh Vân nằm trên đường Trịnh Công Sơn, cách cầu Gia Hội chừng 100 m. Từ một gánh bún cho người lao động nghèo vào mỗi sáng sớm ít ai hay, nay bún Cảnh Vân đã thành quán ăn xe xếp hàng dài, thực khách đến phải ngồi chờ mới đến lượt gọi.

Người lần đầu đến quán đều tò mò, không gian quán chẳng nổi bật sao lúc nào cũng đông khách? Đến khi kéo ghế, gọi một tô bún đi kèm với bò, giò, chả cua… thì ai nấy đều ngạc nhiên. Đó là khi người bán bưng tô bún theo yêu cầu cùng với dĩa rau sống và kèm theo một chén cơm nguội. Chính chén cơm nguội là câu trả lời cho sự thú vị của quán và làm ngạc nhiên những người lần đầu đến ăn. 

“Tôi có phần bất ngờ, tưởng chủ quán mang dư nhưng nhìn quanh ai cũng được phần cơm như mình thì mọi nghi ngờ tan biến”, chị Nguyễn Thu Ngân, đến từ tỉnh Khánh Hòa kể lại, khi được anh xích-lô đưa đến một trong những quán bún được xếp vào hàng thú vị của Huế. Mất vài chục giây quan sát, vị khách phương xa mới hiểu đó là suất ăn đi kèm mà ai cũng có phần khi gọi bún. Thấy chị ngơ ngác, không biết cách ăn, chị phục vụ liền bày: “Chị có thể trút chén cơm vào tô bún rồi trộn đều để ăn, hoặc sau khi ăn hết bún, chị trộn cơm với phần nước còn trong tô. Cơm nguội miễn phí, nếu thấy chưa no, kêu tui lấy thêm”. Trải nghiệm “combo ăn sáng” quá đặc biệt, chị Ngân chỉ biết thốt lên: “Ngon và no quá trời. Lâu nay mình chỉ ăn bún chấm bánh mì còn đây là lần đầu ăn bún bò Huế trộn thêm cơm nguội”. 

Với người Huế, mỗi người lại có một kiểu ăn riêng. Người thì trộn cơm nguội với bún ngay từ đầu, người ăn hết bún còn lại nước thì cho cơm vào, người thì chỉ gọi tô nước dùng, thịt rồi ăn với cơm, rau sống mà không cần bún. Với những người lao động, bữa sáng với cái tô “độn” rau, cơm sẽ giúp họ có đủ năng lượng cho nửa ngày làm việc. Với giới công chức, người có thu nhập tương đối, họ tìm đến với bún kèm cơm nguội như để lật lại trang ký ức, nơi chất chứa những kỷ niệm vất vả một thời.

“Xưa nhà nghèo, đông anh em đâu phải sáng mô cũng có tiền ăn bún. Tui nhớ mỗi khi mua bún mạ đều cầm cái ca-mèn thiệt to để mua một tô rồi xin thêm thiệt nhiều nước. Phần bún, thịt về phần đứa út, còn phần nước mấy anh chị lớn trong nhà chia nhau trộn với cơm nguội ăn. Chút nước bún “không người lái” hồi đó mà hương vị ấy đi theo tụi tui tới bây giờ mãi không quên được”, anh Nguyễn Định, ngụ tại đường Nguyễn Du, kể về tuổi thơ gắn với món ăn sáng “sang chảnh” ngày xưa. Cuộc sống giờ khấm khá nhưng ký ức về những ngày xưa cũ không bao giờ vơi đi, đó cũng là lý do anh tự nhận mình là khách quen của quán bún Cảnh Vân. 

2/ Bà Vân, chủ quán bún cơm nguội Cảnh Vân nay đã ngoài 50 tuổi. Bà cho biết, sau khi TP Huế quy hoạch mở tuyến đường Trịnh Công Sơn thì ngôi nhà của bà phải dịch chuyển vào trong và không được xây dựng kiên cố. Công việc bấp bênh, cuộc sống khó khăn nên bà mở gánh bún để kiếm đồng ra, đồng vào. “Khách ăn ban đầu phần lớn là các anh chị lao công, công nhân công ty cây xanh làm công việc tay chân, hoàn cảnh ai cũng khó khăn. Nghĩ bụng, ăn tô bún vậy sao đủ no nên tui quyết định nấu thêm cơm từ tối, để nguội rồi sáng bày ra cho mọi người “chêm” vô cho no, coi như góp chút nghĩa ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn”, bà Vân nhớ lại. Tiếng tốt vang xa, kể từ đó, gánh bún ngày mỗi đông hơn rồi khi có chút vốn, bà Vân cải tạo lại khu đất, dựng thành quán để phục vụ nhiều người. 

Ngoài hơn 50 kg bún bán vào mỗi sáng, bà Vân còn nấu thêm 30 lon gạo từ đêm hôm trước để có cơm nguội. Gạo được bà Vân chọn là gạo trộn khi nấu chín, để nguội nhưng hạt cơm vẫn có mùi thơm mềm, đủ độ khô để khi trộn với nước bún sẽ không bị nát, nhão. Và cứ thế, gần chục năm qua, khách đến ăn không phân biệt giàu, nghèo bà chủ đều lấy giá 20 nghìn đồng/tô bún, cơm nguội thì miễn phí, ai thiếu cứ lấy thêm.