Võ Hoàng Lan (Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
Những năm gần đây, theo xu hướng phát triển chung, các phương tiện chạy bằng năng lượng điện nói chung và xe đạp điện nói riêng xuất hiện ngày một nhiều. Phải thừa nhận rằng, xe điện dễ sử dụng, tiện lợi và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đã có một bộ phận học sinh, người tham gia giao thông lợi dụng tình trạng buông lỏng kiểm soát từ phía các cơ quan chức năng để thay đổi kết cấu, hay nói cách khác là “độ, chế” xe đạp, xe máy điện để phục vụ lợi ích cá nhân.
Ở nơi tôi sinh sống, việc bắt gặp một chiếc xe đạp, xe máy điện “độ” trên đường không hề khó bởi chúng đều có hình dáng, nhận dạng rất khác so nguyên bản từ mầu sơn, khung sườn cho tới hệ thống phanh, giảm sóc, truyền động… và dễ nhận thấy nhất là cục pin lớn bất thường. Thay vì di chuyển với vận tốc khoảng 25-40 km/giờ như bình thường, những chiếc xe đã thay đổi kết cấu hoàn toàn có thể chạy tới 70-80 và thậm chí xấp xỉ 100 km/giờ.
Sở hữu gia tốc, vận tốc cao bất thường, lại di chuyển không có tiếng động và quan trọng hơn cả là được điều khiển bởi các “quái xế” tuổi đời còn rất trẻ, những chiếc xe đạp điện “độ” luôn là nỗi bất an cho người tham gia giao thông. Đã không ít lần tôi chứng kiến các nhóm học sinh tổ chức “tranh tài” lạng lách, đánh võng, so kè tốc độ… và cũng không dưới một lần những “tay đua” này bị thương do va quệt, thậm chí gặp tai nạn không nhẹ.
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả những lo ngại đó là nguy cơ cháy nổ bắt nguồn từ việc thay đổi kết cấu của hệ thống cấp điện và đặc biệt là cục pin “độ” trên xe. Những chiếc xe điện “độ” kia thật chẳng khác nào loạt “bom nổ chậm” chỉ chực phát hỏa, kể cả khi đang di chuyển tốc độ cao trên đường hay dựng trong nhà.