Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển ngành thép

Trước thời kỳ đổi mới, sản xuất thép trong nước gần như phụ thuộc vào Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) khi doanh nghiệp nhà nước này giữ vai trò độc quyền trong sản xuất, điều tiết thị trường. Ban đầu, VNSteel cơ bản đáp ứng nhu cầu thép cho đất nước, nhưng do hạn chế về công nghệ, quy mô sản xuất manh mún, thiếu sự đa dạng trong chủng loại, chất lượng không đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp khác, dần dần khiến thép Việt Nam rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. 
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất tôn màu tại nhà máy của Tập đoàn Hoà Phát. (Ảnh: NGUYỄN NGHI)
Dây chuyền sản xuất tôn màu tại nhà máy của Tập đoàn Hoà Phát. (Ảnh: NGUYỄN NGHI)

Các sản phẩm thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc có thời điểm chiếm lĩnh thị trường nội địa, gây áp lực rất lớn lên thép trong nước. Sự thay đổi chỉ bắt đầu khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, khuyến khích tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, dẫn tới sự có mặt của những cái tên như: Hòa Phát, Hoa Sen, Việt Đức,...

Các doanh nghiệp này nhanh chóng nắm bắt cơ hội, không chỉ mở rộng quy mô sản xuất mà còn đầu tư mạnh vào công nghệ hiện đại, giúp mang đến những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, từ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) đến thép hợp kim phục vụ cơ khí chế tạo và sản xuất ô-tô.

Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân mới đây được xem là “điểm tựa” vững chắc cho các doanh nghiệp tư nhân ngành thép có thể khẳng định vị trí “đầu tàu” của mình trong tiến trình xây dựng đất nước, phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam giai đoạn tới.

Bởi thực tế, vai trò và vị trí của khối doanh nghiệp này rất quan trọng, từ chỗ ngành thép gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu (trước năm 1990 sản lượng thép cả nước chỉ đạt 100 nghìn tấn), sau khi có sự tham gia của các doanh nghiệp thép tư nhân, đến nay ngành thép Việt Nam có tổng sản lượng các loại đạt khoảng 30 triệu tấn.

Nhờ khả năng tự chủ, chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp trong nước dần hoàn thiện hơn, giúp tối ưu hóa chi phí, gia tăng lợi nhuận cho các ngành kinh tế cốt lõi như công nghiệp và xây dựng.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, thép Việt Nam còn được xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada, Mexico,...; góp phần đưa Việt Nam vươn lên vị trí 13 thế giới và dẫn đầu ASEAN về sản xuất thép.

Dù đạt nhiều thành tựu, nhưng ngành thép Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn... Nếu không nhanh chóng tìm cách chuyển đổi sang sản xuất “xanh”, đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất, kiên quyết loại bỏ các nhà máy nhỏ, sử dụng thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, cũng như làm tốt việc kiểm soát chặt nguồn gốc, thì thép Việt Nam có nguy cơ tụt hậu và mất thị phần tại các thị trường quan trọng trên thế giới.

Vì vậy, để vượt qua các thách thức nêu trên, phát triển bền vững, giảm phát thải là hướng đi tất yếu, trong đó các doanh nghiệp tư nhân với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm thị trường và khả năng tiếp cận công nghệ mới cần được khuyến khích, đóng vai trò tiên phong.

Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ đủ mạnh về vốn, đất đai, miễn giảm thuế hoặc trợ giá công nghệ sạch, hỗ trợ phòng vệ thương mại; sớm ban hành “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” gắn với các chính sách đặc thù, tạo “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp tư nhân trong ngành thép bứt phá phát triển