Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao

NDO - Nông nghiệp là một trong những ngành chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu và cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn. Trong đó, hoạt động canh tác lúa chiếm lượng lớn tổng phát thải trong nông nghiệp mỗi năm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu để ngành lúa gạo chuyển mình theo hướng hiệu quả và có trách nhiệm với môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình thí điểm canh tác lúa phát thải thấp ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, tỉnh Trà Vinh.
Mô hình thí điểm canh tác lúa phát thải thấp ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, tỉnh Trà Vinh.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp lớn vào xuất khẩu gạo trong những năm qua.

Tuy nhiên, khu vực này cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, suy giảm chất lượng đất trồng trọt. Hiện nay, mô hình sản xuất lúa gạo truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế, do đó cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất.

Nhằm giải quyết bài toán phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính, ngày 27/11/2023 Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án).

Đây được xem là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành lúa gạo, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) Hoàng Tuyển Phương cho biết: “Qua một năm triển khai, Đề án bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực từ các mô hình điểm tại các địa phương. Nhiều hộ dân đã chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: Giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng phân bón cân đối, cơ giới hóa sản xuất và quản lý rơm rạ và ứng dụng công nghệ số… Những thay đổi này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, mà còn góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng gạo”.

Qua đánh giá, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30 đến 50% lượng giống, tiết kiệm 30 đến 70kg phân bón/ha, giảm 1 đến 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30 đến 40% lượng nước tưới, đồng thời, năng suất tăng 2,4 đến 7%, lợi nhuận tăng thêm từ 4 đến 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Trong quá trình triển khai, lực lượng khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã và tổ hợp tác là những mắt xích quan trọng, đóng vai trò cầu nối thực hiện chủ trương chính sách và hoạt động thực tiễn trên đồng ruộng. Họ không chỉ giúp truyền tải kiến thức, kỹ thuật đến người nông dân mà còn tham gia tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết, điều phối chuỗi giá trị và thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao ảnh 1

Nông dân kiểm tra lúa ở mô hình thí điểm 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở tỉnh Trà Vinh.

Đến nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai bảy mô hình thí điểm cấp trung ương tại năm địa phương gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hai mô hình triển khai ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, diện tích 98,4ha với 94 hộ dân tham gia.

Qua đánh giá, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30 đến 50% lượng giống, tiết kiệm 30 đến 70kg phân bón/ha, giảm 1 đến 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30 đến 40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4 đến 7%, lợi nhuận tăng thêm từ 4 đến 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2 đến 12 tấn CO₂/ha. Đặc biệt, toàn bộ lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 đến 300 đồng/kg thóc, tạo động lực cho nông dân tham gia.

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hai mô hình triển khai ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, diện tích 98,4ha với 94 hộ dân tham gia.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, trên địa bàn tỉnh có hai mô hình triển khai ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, diện tích 98,4ha với 94 hộ dân tham gia. Sau một năm thực hiện hai mô hình ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho bà con nông dân. Mặt khác, nông dân đã mạnh dạn áp dụng phương thức canh tác mới, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.

Phát huy kết quả đạt được sau vụ hè thu năm 2024 ở hai mô hình điểm, tỉnh Trà Vinh triển khai nhân rộng với sáu hợp tác xã tham gia trong vụ thu đông năm 2024 với diện tích 208,4ha; đến vụ đông xuân 2024-2025 đã có 16 hợp tác xã tham gia thực hiện với diện tích 883,72ha.

Mô hình thí điểm được triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành (Trà Vinh) với diện tích 50ha có 46 hộ tham gia thực hiện, giống lúa được sử dụng là ST24 thuộc nhóm lúa chất lượng cao.

Theo đại diện Hợp tác xã, sau ba vụ triển khai thực hiện thí điểm canh tác lúa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó vụ đông xuân năm 2024-2025 là vụ có những kết quả hơn so với các vụ trước.

Qua thống kê, trong vụ này lượng giống sử dụng chỉ từ 60 đến 70 kg/ha, năng suất lúa đạt 7,5 tấn/ha, tăng 5 đến 10% so với sản xuất ngoài mô hình; với doanh thu 72 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ mô hình trong vụ đông xuân đạt 48,5 triệu đồng/ha, cao hơn từ 15 đến 25%. Đặc biệt, mô hình thí điểm cũng giảm 20 đến 30% lượng khí phát thải so với sản xuất bên ngoài mô hình.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu nhưng quá trình triển khai Đề án vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự hiểu rõ nội dung cốt lõi và phương thức triển khai. Hơn nữa, một số địa phương quá chú trọng đến việc tạo và bán tín chỉ carbon thay vì tập trung vào triển khai quy trình canh tác bền vững và giảm chi phí sản xuất cho người dân.

Bên cạnh đó, hạ tầng thủy lợi là yếu tố căn bản, then chốt để thực hiện các biện pháp canh tác giảm phát thải nhưng nguồn vốn đầu tư chưa phù hợp với lộ trình triển khai; một số địa phương và người dân chủ yếu quan tâm các biện pháp tưới tiêu, chưa chú trọng đúng mức việc xử lý rơm rạ.

Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên có thể tái sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, tỷ lệ liên kết sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt dưới 30%, chưa đủ mạnh để bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài của Đề án…

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và tổ hợp tác; tăng cường hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng, Hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và củng cố liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng

Để Đề án đạt hiệu quả, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, hướng dẫn nông dân tiếp cận với các phương pháp canh tác bền vững; tạo điều kiện để các hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Mặt khác, cần quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để phát triển lúa chất lượng cao, phát thải thấp, xây dựng mã số vùng trồng tại vùng tham gia Đề án; Tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng sản xuất vùng tham gia Đề án, nhất là hạ tầng thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động, hỗ trợ vận chuyển và cơ giới hóa.

Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân áp dụng vào sản xuất có hiệu quả; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu lúa carbon thấp.

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng: “Trong thời gian tới cần tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và tổ hợp tác. Trên cơ sở đó, các khóa đào tạo cần chuyên sâu về quy trình kỹ thuật canh tác giảm phát thải, như: Sạ hàng, sạ bằng drone, tưới ngập khô xen kẽ và áp dụng mô hình canh tác lúa bền vững cần được triển khai liên tục. Cùng với đó cần tăng cường hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng, Hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và củng cố liên kết chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, việc đào tạo kỹ năng quản lý chuỗi giá trị và kết nối thị trường cũng rất quan trọng để đảm bảo nông sản được tiêu thụ ổn định, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân”.