Nhân rộng các mô hình
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng lan của anh Nguyễn Hoàng Em (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), chị Đỗ Kim Hạnh, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi cho biết: Đây là một trong ba hộ mà Trạm triển khai mô hình trình diễn trồng lan tiêu biểu trong năm nay. Với hai giống được nhập từ Thái Lan là dendrobium mini và dendrobium nắng, mô hình trồng lan của anh Nguyễn Hoàng Em được triển khai từ tháng 11/2024, tới nay, cây sinh trưởng tốt. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và sự chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, hiện tại nhiều cây đã ra hoa bói.
Chị Hạnh chia sẻ: “Củ Chi đã triển khai nhiều mô hình trình diễn trồng lan trong những năm trước và thấy rằng, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân khá cao. Để được tham gia chương trình, các hộ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn như diện tích sản xuất, khả năng tưới tiêu, chăm sóc và vốn đối ứng. Bà con được hỗ trợ 50% về giống ban đầu, được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc; đồng thời, hằng tuần cán bộ khuyến nông xuống tận vườn kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển của cây, đưa ra những khuyến cáo kịp thời trong phòng ngừa sâu bệnh”. Chị Hạnh cũng cho biết thêm: Những giống lan được triển khai là dòng lan khỏe mạnh, dễ chăm sóc, siêng hoa, hoa đẹp và đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình tương tự để hỗ trợ bà con, giúp tăng năng suất và thu nhập.
Những năm gần đây, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chơi lan của khách hàng cũng giảm, ảnh hưởng tới doanh thu của nhà vườn. Anh Nguyễn Hoàng Em bày tỏ: “Trước đây, chúng tôi đạt doanh thu khoảng 3-4 tỷ đồng/năm; từ năm ngoái tới giờ, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm gần một nửa. Chúng tôi hy vọng với những giống lan này, cùng sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, sắp tới nhà vườn sẽ cho ra những sản phẩm đẹp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho gia đình”.
Ở huyện Củ Chi, ngoài trồng lan, nghề nuôi cá cảnh cũng được nông dân phát triển mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Gia đình anh Lê Trọng Thức (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội) là một trong những hộ nuôi cá cảnh khá thành công. Anh Thức chia sẻ: Năm 2018, khi bắt đầu nuôi cá cảnh, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn: kinh nghiệm chưa có, nguồn vốn ít ỏi, đầu ra hạn chế. Thời gian gần đây, anh Thức được Trạm Khuyến nông của huyện hỗ trợ về giống, kỹ thuật và kết nối với các khách hàng cho nên việc nuôi cá của anh Thức thuận lợi hơn rất nhiều. Gia đình anh Thức hiện có khoảng 600 hồ nuôi, với 15 loại cá khác nhau, chủ lực là cá đĩa khoảng 60 nghìn con. Khi thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Thức đã chia sẻ với bà con chung quanh để cùng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
“Nuôi cá đĩa đòi hỏi phải kỹ lưỡng, như chăm trẻ con vậy. Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình ở đây đã thành công với mô hình nuôi cá này, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là loại cá được thị trường Mỹ và các nước châu Âu ưa chuộng, nhưng không phải nước nào cũng sản xuất được”, anh Thức cho biết.
Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
Ông Lê Đình Chức, phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều hoạt động khuyến nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, đặc biệt là công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. “Chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh việc chuyển giao các mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kết hợp mô hình du lịch sinh thái trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản”, ông Chức chia sẻ.
Ngoài những mô hình sản xuất nêu trên, huyện Củ Chi đã triển khai thành công và nhân rộng một số mô hình điển hình khác như: trồng rau hữu cơ VietGAP, chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học, nuôi cá tuần hoàn RAS… Các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, trình diễn mô hình được tổ chức thường xuyên, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật mới một cách trực quan, dễ hiểu. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khuyến nông cũng được chú trọng. Người nông dân đã biết sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, hoặc các ứng dụng hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn. Trình độ tiếp nhận công nghệ của một bộ phận nông dân còn hạn chế, nhất là nông dân lớn tuổi; một số tiến bộ kỹ thuật cần vốn đầu tư ban đầu lớn, khiến nông dân còn e dè trong việc áp dụng. Ngoài ra, nguồn nhân lực khuyến nông mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, do đó việc theo dõi, hỗ trợ bà con nông dân sau khi chuyển giao chưa được sâu sát…
Trong thời gian tới, huyện Củ Chi sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với nhu cầu thực tế; đồng thời, phối hợp với các viện, các trường đại học, các doanh nghiệp để xây dựng các mô hình điểm. Huyện sẽ chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông dân; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong khuyến nông như: xây dựng hệ thống tư vấn trực tuyến, thư viện kỹ thuật số… nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong chuyển giao. Nhờ phát triển nông nghiệp đúng hướng, đời sống người dân Củ Chi ngày càng được nâng cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố.