Những ngày cuối tháng 4/2025, tại công trường dự án hầm chui Kim Đồng-Giải Phóng, các đơn vị đang khẩn trương thi công. Hiện phía Kim Đồng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục tuyến và công trình trên tuyến hai bên hầm chính, 7/7 đốt tường chắn, 2 đốt hầm kín và 4 đốt hầm hở; công nhân đang thi công các hạng mục phụ trợ. Bên phía Đầm Hồng, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành 1/1 đốt hầm kín; 9/9 đốt hầm hở; đang hoàn thiện các hạng mục tuyến và công trình trên tuyến, các đốt tường chắn, đấu nối hạ tầng kỹ thuật với đường Định Công.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, mặc dù thi công trong điều kiện phía trên vẫn phải bảo đảm an toàn cho chạy tàu, nhưng các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ, tăng cường máy móc và nhân lực để thi công tại điểm găng của dự án; phấn đấu có thể thông hầm trong năm 2025, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, từng bước hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2,5 theo quy hoạch.
Trong thực trạng giao thông của Hà Nội đang ngày càng quá tải, việc xây dựng các hầm chui là giải pháp quan trọng và hữu hiệu để cải thiện hạ tầng. Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều hầm chui tại các nút giao thông lớn, như: Xã Đàn-Đại Cồ Việt, Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, Trung Hòa, Lê Văn Lương. Vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường Vành đai 3 và tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông, hầm chui Thanh Xuân giúp giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc tại đây. Cùng với đó, hầm chui Lê Văn Lương- Vành đai 3 cũng đã phát huy vai trò quan trọng trong giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường trọng yếu ở khu vực cửa ngõ phía tây và tây nam Thủ đô.
Nhìn rõ hiệu quả này, Hà Nội tiếp tục tập trung đầu tư hiện đại hóa hệ thống hầm chui. Mới đây, ngày 19/4/2025 tại huyện Hoài Đức, dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng đã chính thức được khởi công. Trong đó, các hạng mục sẽ đầu tư xây dựng gồm hầm chui đi dưới đường Vành đai 3,5 với tổng chiều dài 975m và bốn cầu nhánh với tổng chiều dài hơn 2.300m. Theo lãnh đạo thành phố, việc xây dựng dự án nút giao đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (gồm hầm chui và các cầu nhánh) nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kết nối, khai thác hợp lý với kết cấu hạ tầng giao thông đã được xây dựng.
Trước đó, ngày 10/4/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 1966/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng và kết nối phố Trần Vỹ. Theo đó, dự án có tổng chiều dài khoảng 600m với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.000 tỷ đồng và chuẩn bị đầu tư năm 2025, thực hiện đầu tư năm 2026-2028.
Một hầm chui khác cũng đang được gấp rút chuẩn bị để triển khai trong thời gian tới tại nút Cổ Linh-cầu Vĩnh Tuy, đây luôn là điểm nóng giao thông với lưu lượng phương tiện vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng, nhất là sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thông xe (tháng 9/2023).
Cùng với đó, trong giai đoạn 2026-2028, Hà Nội sẽ xây dựng thêm hai hầm chui đi dưới đường Vành đai 3 thuộc hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Hầm chui đường Tây Thăng Long-Vành đai 3 (Bắc Từ Liêm) có chiều dài hầm kín và hầm hở khoảng 800m, tổng vốn đầu tư gần 1.010 tỷ đồng. Còn hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì-Dương Đình Nghệ-Vành đai 3 (Nam Từ Liêm) dài 565m, có tổng mức đầu tư gần 972 tỷ đồng. Khi những công trình này được triển khai và hoàn thiện sẽ góp phần quan trọng cải thiện hạ tầng, giảm ùn tắc cho giao thông Thủ đô.