Không nhiều kịch tính, nhưng Hữu Vi đã cất lên một thanh âm núi rừng - tiếng nói day dứt của những phận người đang loay hoay giữa nếp cũ phong tục và sự vần xoay thay đổi thời cuộc. Những lát cắt đời sống hiện ra rõ ràng như số phận từng con người.
Chất người miền núi trong các nhân vật của cuốn truyện luôn hồn hậu như sông suối, dẫu có nhập dòng đâu đó dưới chân núi, dẫu có chảy đi đâu, thì hồn suối sông vẫn còn vương bóng núi. Tấm lòng của người con gái xứ núi đi làm tận miền xuôi, dẫu có thắt ngặt đường về, vẫn ý tứ gửi hai chiếc áo sơ mi của mình và của chồng về nhà cha mẹ đẻ, cho đúng lễ nghi chàng rể ra mắt cha mẹ vợ dẫu vắng bóng người (Hai chiếc áo sơ mi). Tấm lòng của chàng rể trẻ tên Khun cũng trong như lòng suối. Khun, chẳng phân biệt cảnh cha mẹ vợ đi tù vì buôn chất cấm, anh vẫn cùng vợ đến thăm cha mẹ của nàng trong nhà giam, vái lạy mời trầu đấng sinh thành qua khe lưới (Đi thăm cha mẹ).
Người miền núi bình dị như hoa nở trắng trong bản làng, lành như quả bầu, quả bí lăn lóc đâu đó trên giàn bếp, góc nhà. Đời sống của những con người ấy cứ tuần tự ung dung theo thời gian. Trai gái lớn lên thì đi ném pao tìm nửa kia của đời mình. Có những quả pao ném đi không lời hồi đáp. Cũng có những quả pao người đã bắt được rồi nhưng lời thề hẹn giữa chừng đứt đoạn, cũng không rõ vì đâu, thôi cứ dựa vào duyên phận, nương náu núi rừng mà sống tiếp cho hết một đời (Quả pao). Truyện của Hữu Vi không thiếu những đoạn trữ tình, thơ mộng trên cái nền kỳ vĩ của núi rừng.
Sự giao thoa giữa làn sóng văn minh mới lan nhanh đến bản làng người Thái cũng gây nên những xao động. Người dân tộc vốn bám chặt vào nếp cũ của văn hóa bản làng. Họ cũng dần chấp nhận những cái mới, như việc xây mộ cho người mất một cách đàng hoàng, tử tế, thay vì cứ chôn bừa ra đất rừng. Nhưng sự tiếp biến văn hóa này cũng manh nha sự tha hóa nhân cách lên một số cá nhân. May thay, chính niềm tin vào các giá trị thiêng liêng đã níu chất người hồn hậu trở lại. Tay trưởng thôn Khăm Xay tin vào điềm gở từ cái chết của bầy ong để dừng lại những việc làm trục lợi trên nỗi khổ của dân bản (Cái chết của bầy ong).
Tác giả không cố vo tròn con chữ, không câu nệ lễ nghi, nhưng tấm phông văn hóa dân tộc Thái vẫn hiển hiện rõ ràng. Xuất thân là một nhà báo, khi viết văn, làm thơ, anh sống trọn vẹn với đời sống của dân tộc mình.