Vượt qua những ứng cử viên sáng giá như Timothee Chalamet, Ralph Fiennes hay Sebastian Stan…, nam tài tử giờ đây đã 52 tuổi, xuất sắc giành tượng vàng Oscar thứ hai với vai diễn trong “The Brutalist”, bộ phim về nỗi đau của người Do Thái sau thảm họa diệt chủng Holocaust.
Điện ảnh hàn gắn nỗi đau
Nhắc đến Adrien Brody, chắc hẳn không ai có thể quên được vai diễn xuất thần của anh trong kiệt tác “The Pianist” của đạo diễn Roman Polanski, năm 2002. Vai diễn lịch sử không chỉ mang về cho anh giải Oscar danh giá, mà còn giúp anh trở thành nam diễn viên chính xuất sắc trẻ nhất trong lịch sử giải thưởng Oscar.
Trong phim, Adrien Brody đã hóa thân vào vai Władysław Szpilman, một nghệ sĩ dương cầm tài năng người Ba Lan gốc Do Thái. Khi Đức Quốc xã tấn công, gia đình ông bị đưa về khu vực Warsaw, sống trong khu ổ chuột và phải chật vật chui lủi để tồn tại.
Giờ đây, hơn 20 năm trôi qua, “nỗi đau Do Thái” ấy lại được tái hiện trên màn ảnh, với sự thể hiện có phần sâu sắc và trưởng thành hơn của Adrien Brody, trong “The Brutalist”. Lần này, Adrien Brody hóa thân thành László Tóth, một kiến trúc sư người Do Thái cùng gia đình di cư đến Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng, khoảnh khắc gia đình Tóth bị khinh miệt, bị đối xử bất công với ước mơ vụn vỡ đã phơi bày sự tàn nhẫn và lạnh lùng của xã hội nơi anh đặt chân đến.
Mặc dù đề tài và câu chuyện không mới, thậm chí không được đánh giá cao, nhưng với diễn xuất nhập tâm đến ám ảnh, Adrien Brody đã khiến thế giới phải chú ý đến bộ phim. Ánh mắt đượm buồn, dáng đi cô độc và hàng lông mày luôn suy tư, Adrien Brody mang đến một “The Brutalist” đầy xót xa, về những con người gần như lạc lõng và tuyệt vọng trong nỗi buồn hậu chiến.
![]() |
Nỗi đau được Adrien Brody khăc họa trong "The Brutalist". |
“Tóth của Adrien Brody là một nhân vật mang trong mình sức nặng của cả một thế hệ. Anh thể hiện sự đau khổ và hy vọng bằng tất cả trái tim, đầy mê hoặc. Không ai có thể ganh tị nếu Adrien Brody chiến thắng Oscar” - Tờ The Guardian dành tặng Adrien Brody số điểm tuyệt đối, bằng tất cả sự ngưỡng mộ.
Sinh ngày 14/4/1973 tại Queens, New York, Adrien Brody lớn lên trong một gia đình nghệ thuật. Cha anh là một họa sĩ nổi tiếng, mẹ là nhiếp ảnh gia. Phần nào giống như nhân vật László Tóth, Brody có nguồn gốc từ châu Âu. Bố của anh là người Do Thái gốc Ba Lan. Mẹ của anh là người Hungary, di cư đến Mỹ năm 1956 và bà cũng mang một phần dòng máu Do Thái do mẹ của bà là người Do Thái gốc Czech.
“Tôi lớn lên trong yêu thương và sự đồng cảm”, Brody chia sẻ. Dù chưa một lần trực tiếp nhắc đến quá khứ của gia đình nhưng những bất ổn của thời cuộc, của xã hội có lẽ cũng khiến Adrien gặp nhiều bất an và nhạy cảm hơn những chàng trai cùng lứa tuổi khác. Anh từng phải chiến đấu với chứng trầm cảm, có lúc phải nhập viện tâm thần. Nhưng sau tất cả, anh vẫn chọn điện ảnh để chữa lành vết thương và hàn gắn chính mình.
Trong giây phút cầm tượng vàng danh giá lần thứ hai trên tay, Adrien Brody xúc động: “Tôi ở đây lần nữa để đại diện cho những vết thương và hậu quả kéo dài của chiến tranh, sự áp bức có hệ thống, bài Do Thái, phân biệt chủng tộc và sự kỳ thị. Tôi cầu nguyện chúng ta có một thế giới hạnh phúc và bao dung hơn. Tôi tin rằng, nếu quá khứ có thể dạy chúng ta điều gì đó thì chính là chuyện nhắc nhở chúng ta hãy kiểm soát lòng thù hận”.
Muốn làm những bộ phim có thể trở thành di sản
Tham gia diễn xuất chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi, suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, dù không có ngoại hình quá điển trai hay quyến rũ như các tài tử cùng thế hệ, Adrien Brody vẫn thu hút sự chú ý của các nhà làm phim và khán giả khắp thế giới nhờ vẻ ngoài thông minh, gai góc nhưng lại ẩn chứa chút gì đó mong manh, cô độc. Anh có rất ít bạn thân, và hầu hết trong số họ chia sẻ: Họ gần như chưa bao giờ hiểu nổi anh.
Khởi đầu sự nghiệp, sự kết hợp của Adrien Brody và Wes Anderson được so sánh với Robert De Niro và Martin Scorsese. Tuy nhiên, Brody vẫn tận tụy và chăm chỉ với từng cơ hội đến với mình, ở tất cả các thể loại vai diễn. “Tôi luôn cố gắng tìm kiếm bản chất sâu kín nhất trong mỗi nhân vật mà tôi thể hiện. Tôi muốn khán giả cảm nhận được sự chân thực và đồng cảm với họ”.
Dù có khởi đầu thuận lợi, nhưng anh cũng đã từng phải chật vật để chứng minh thực lực. Anh cũng hiểu rõ sự bấp bênh và khắc nghiệt của nghề diễn viên. “Mãi cho đến “The Pianist”, tôi mới cảm thấy: Ồ, được rồi, tôi có thể kiếm được việc làm. Và ngay sau đó, tôi đã... không có việc để làm trong suốt một năm”, anh hài hước chia sẻ.
Không nản lòng, Adrien Brody nhẫn nại chinh phục thế giới qua từng vai diễn: “King Kong”, “Predators”, “Midnight in Paris”, cho tới “The Pianist” hay là “The Brutalist”... Brody cho rằng: Một phần vẻ đẹp của công việc diễn xuất là cơ hội được sống tất cả những cuộc đời khác nhau và vượt ra khỏi giới hạn bản thân.
Đối với Brody, sự chăm chỉ, nhẫn nại và không ngừng học hỏi là phẩm chất quan trọng của nghệ sĩ, điều mà anh luôn biết ơn và hạnh phúc khi được thừa hưởng từ cha và mẹ mình.“Mẹ tôi có một tinh thần làm việc đáng kinh ngạc. Bà ấy là người chăm chỉ nhất mà tôi biết. Và tôi đã học được điều đó từ cả cha và mẹ tôi ngay khi còn rất nhỏ” - Brody kể.
Trái ngược với sự nghiệp diễn xuất thành công chói lọi, cuộc sống riêng tư của Adrien gần như là bí ẩn. Anh không chạy theo hào nhoáng của Hollywood mà tập trung vào những giá trị cốt lõi của cuộc sống. “Tôi chủ động tìm cách xa lánh những hư danh hời hợt đến cùng với giải thưởng, tôi không tiếp cận những gì khiến tôi cảm thấy không thật, những gì không giúp tôi trở nên lớn hơn, trưởng thành hơn”. Cho nên, thay vì xuất hiện tại các buổi tiệc xa hoa, hào nhoáng, khán giả thường thấy Adrien Brody xuất hiện giản dị, vẽ tranh, sáng tác nhạc, thậm chí là sửa sang nhà cửa.
Với sự tập trung cao độ và nỗ lực không ngừng, Adrien Brody muốn làm những bộ phim có thể trở thành di sản, sống mãi với lịch sử điện ảnh. Khi được hỏi muốn để lại điều gì trong cuộc đời mình, anh không ngần ngại trả lời: “Tác phẩm của tôi”.