Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023

NDO - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 3.023.547 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 3.176.154 tỷ đồng; bội chi ngân sách Nhà nước 291.564 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, Quốc hội nghe trình bày các báo cáo về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng 9,3% so với dự toán

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, quyết toán thu ngân sách Nhà nước là 1.770.776 tỷ đồng, tăng 150.032 tỷ đồng (9,3%) so với dự toán. Trong đó, thu nội địa là 1.483.781 tỷ đồng, tăng 149.537 tỷ đồng (11,2%) so với dự toán.

Quyết toán chi ngân sách Nhà nước là 1.936.912 tỷ đồng, bao gồm số chi từ nguồn năm trước chuyển sang theo quy định; giảm 139.332 tỷ đồng (6,7%) so với dự toán.

Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: DUY LINH)

Trong đó, chi thường xuyên là 1.117.207 tỷ đồng, giảm 55.088 tỷ đồng (4,7%) so với dự toán do một số nhiệm vụ không triển khai được phải hủy dự toán, một số nhiệm vụ không đủ điều kiện quyết toán phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước, một số nội dung được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tỷ trọng chi thường xuyên bằng 57,7% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Đánh giá chính sách tài khóa và công tác điều hành thu chi ngân sách Nhà nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.

Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán góp phần bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bổ sung vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về quốc phòng, an ninh...

Quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành, ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu bố trí dự toán. Công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường.

Chính phủ đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, trả nợ, bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại. Dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo quy định, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 ảnh 2

Quang cảnh phiên họp ở hội trường chiều 16/5. (Ảnh: DUY LINH)

Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 như sau:

Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 3.023.547 tỷ đồng. Trong đó, số thu theo dự toán là 1.770.776 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 1.144.686 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2022 là 107.418 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước là 667 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 3.176.154 tỷ đồng. Trong đó, chi theo dự toán là 1.936.912 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2024 là 1.239.242 tỷ đồng.

Bội chi ngân sách Nhà nước là 291.564 tỷ đồng, bao gồm bội chi ngân sách Trung ương 284.913 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương 6.651 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 482.625 tỷ đồng.

Còn tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm trong lập, chấp hành dự toán

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi nêu rõ, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh các kết quả đạt được, qua kết quả kiểm toán quyết toán của Kiểm toán nhà nước cho thấy, tại một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục vẫn còn những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 chưa được xử lý dứt điểm.

Vẫn còn 1 cơ quan Trung ương và 5 địa phương chưa điều chỉnh số liệu quyết toán theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán ngân sách nhà nước sau thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách Nhà nước chưa được khắc phục.

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách Nhà nước theo đúng quy định pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội.

Về quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đánh giá cao kết quả tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2023.

Tuy nhiên, số quyết toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023 chênh lệch tăng khá lớn (16.655 tỷ đồng) so với số tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và số thu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2023.

Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. (Ảnh: DUY LINH)

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh công tác rà soát, tổng hợp, đánh giá số liệu thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm tính chính xác làm căn cứ, cơ sở xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước các năm sau, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước.

Một số ý kiến cho rằng, công tác lập dự toán thu ngân sách Nhà nước chưa sát, năm 2023 kinh tế suy giảm, không đạt mục tiêu và đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, nhưng vẫn phát sinh một số nguồn tăng thu lớn. Đề nghị Chính phủ cần lưu ý nâng cao chất lượng công tác lập dự toán các năm tiếp theo, bảo đảm bám sát thực tế và quy định.

Về quyết toán chi ngân sách Nhà nước, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, số quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 tiếp tục giảm khá nhiều so với dự toán, là năm thứ hai liên tiếp quyết toán chi ngân sách Nhà nước không đạt dự toán, hầu như quyết toán các khoản chi đều giảm so với dự toán.

Số chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 sang năm 2024 là 1.239.242 tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023, bằng 64% số thực chi năm 2023, cho thấy quy mô số chi chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024 tiếp tục tăng cao hơn so với các năm trước.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ở một số nơi còn lỏng lẻo, gây thất thoát hoặc sử dụng nguồn lực không hiệu quả, trong đó một số khoản chi chuyển nguồn sang năm sau không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ tồn đọng hoặc lãng phí nếu không được xử lý kịp thời.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đánh giá lại việc lập dự toán, phân bổ và tổ chức, thực hiện, giải ngân chi ngân sách Nhà nước hằng năm để nâng cao chất lượng lập, chấp hành dự toán chi ngân sách Nhà nước bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực ngân sách Nhà nước.