Danh sách các ngân hàng tham gia bao gồm: Sacombank, BIDV, Agribank, TPBank, SHB, BVBank, VietBank, SeABank, NamABank, Vietcombank, Wooribank, Techcombank, VIB, NCB, VietABank, Bảo Việt Bank, PBVN, Kienlongbank, Saigonbank, BAB, Eximbank, MB, ACB, OCB, Vietinbank.
Theo đó, khách hàng có thể thanh toán tiện lợi với các loại thẻ ngân hàng không tiếp xúc dựa trên nền tảng hệ thống vé điện tử công nghệ “open-loop” của HURC1. Dịch vụ thanh toán này được triển khai với dòng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng sử dụng công nghệ không tiếp xúc của NAPAS. Hành khách chỉ cần chạm thẻ lên thiết bị kiểm soát tại cổng vào (tap-in) và sau khi kết thúc hành trình tại cổng ra (tap-out), giao dịch thanh toán cho chuyến đi sẽ được hoàn tất một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Đại diện NAPAS cho biết, những năm gần đây, với sự phát triển của các giải pháp trong lĩnh vực thẻ, vé điện tử và sự phổ biến của thẻ thanh toán ngân hàng sử dụng công nghệ không tiếp xúc theo tiêu chuẩn EMV, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và chuyển dần sang thanh toán giao thông với cơ chế mở. Điều này cho phép khách hàng thanh toán phí giao thông công cộng trực tiếp bằng thẻ ngân hàng, với đa dạng các phương tiện di chuyển từ bus, metro mà không cần sử dụng nhiều thẻ vé khác nhau. Việc sử dụng thẻ ngân hàng cũng giúp bỏ qua công đoạn xếp hàng để mua vé hoặc nạp tiền vào thẻ vé, góp phần giảm bớt chi phí vận hành của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Thay vì phải phát triển và duy trì hệ thống phát hành thẻ vé riêng, các đơn vị này có thể tận dụng ngay thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán cho các dịch vụ giao thông công cộng. Hình thức thanh toán bằng thẻ NAPAS trên tuyến metro số 1 giúp đẩy mạnh thói quen thanh toán không tiền mặt khi tham gia giao thông, mang lại sự tiện lợi và an toàn cho hành khách tại Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, điều này cho thấy những lợi ích khi hạ tầng thanh toán được tích hợp và đồng bộ, góp phần thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam và đưa hệ thống thanh toán tại các tuyến đường sắt đô thị trong nước bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới.
Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện miễn phí vé sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe bus có trợ giá trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ miễn phí vé xe bus trên các tuyến xe có trợ giá bao gồm: Người có công với cách mạng được xác định theo khoản 1 điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Người khuyết tật; Người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên) và trẻ em dưới 6 tuổi.
Những hành khách này chỉ cần xuất trình Căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc giấy tờ chứng minh do cơ quan có thẩm quyền cấp để được hưởng quyền lợi theo quy định. Với doanh nghiệp vận tải phải niêm yết đầy đủ các thông tin về chính sách miễn giảm vé cho người dân được biết để phối hợp đối chiếu giấy tờ chứng minh khi đi xe bus.