Thành phố Hồ Chí Minh: Số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ

NDO - Ngày 15/5, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 4 tuần trở lại đây, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ, tuy nhiên chưa có trường hợp nào chuyển nặng hoặc cần hỗ trợ hô hấp.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 4 tuần trở lại đây, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ. (Ảnh: CHI MAI)
Trong 4 tuần trở lại đây, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ. (Ảnh: CHI MAI)

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, từ giữa tháng 4 đến nay đã có 40 ca Covid-19 được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn.

Đáng chú ý, trong tuần lễ từ 5 đến 11/5 (tuần 19), toàn thành phố có 16 ca được báo cáo, tăng 10 ca so với trung bình 4 tuần trước đó (6 ca/ tuần). Dù vậy, tất cả các ca bệnh đều ở thể nhẹ, không cần hỗ trợ hô hấp.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận tổng cộng 51 ca mắc Covid-19, trong đó có 29 ca điều trị nội trú và 22 ca điều trị ngoại trú. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc giảm đến 83%. Giai đoạn 14 tuần đầu năm, số ca ghi nhận mỗi tuần chỉ dao động từ 1-2 trường hợp. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần 15 (giữa tháng 4), số ca mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng rõ rệt. Dù vậy, thành phố hiện vẫn chưa ghi nhận ổ dịch nào xuất hiện.

Tình hình tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh xu hướng chung trên toàn cầu, khi số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang có chiều hướng giảm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay chưa ghi nhận biến thể mới đáng lo ngại của SARS-CoV-2. Tại Việt Nam, Covid-19 đã được phân loại là bệnh truyền nhiễm lưu hành, gây bệnh cảnh viêm đường hô hấp tương tự các virus theo mùa khác.

Tuy nhiên, theo ngành y tế, sự gia tăng đi lại, giao lưu cộng đồng và tham gia các lễ hội trong thời gian qua là yếu tố thúc đẩy số ca mắc tăng nhẹ. Dù chưa có ca bệnh nặng, diễn biến dịch vẫn có thể ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt của người dân, đặc biệt nhóm có nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền hoặc trẻ nhỏ.

Trước diễn biến mới, Sở Y tế thành phố khuyến nghị người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản:

*Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi công cộng đông người hoặc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

*Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng khi ho, hắt hơi và không khạc nhổ bừa bãi

*Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức đề kháng; chủ động theo dõi sức khỏe, đặc biệt khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở.

*Cần liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn và khám kịp thời.

*Người trở về từ các quốc gia đang có dịch cần tự theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.