Còn khoảng cách với thực tiễn
Tháng 9/2024, Sở Khoa học và Công nghệ công bố, giới thiệu, chuyển giao kết quả nhiệm vụ khoa học-công nghệ “Xây dựng bản đồ du lịch điện tử tỉnh Đắk Nông” về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, vận hành trong thực tiễn. Bản đồ du lịch điện tử có dữ liệu phong phú bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên, điểm và tuyến du lịch, luồng khách, cùng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Hệ thống này dự kiến phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin về các địa điểm trên bản đồ số dạng 2D và 3D; các nhà quản lý có thể giám sát và quy hoạch du lịch thông qua công nghệ ảnh viễn thám đa thời gian…
Mặc dù vậy, kể từ khi được chuyển giao, trang web bản đồ du lịch điện tử Đắk Nông cũng dừng lại mức độ tiếp nhận kết quả nhiệm vụ về mặt thủ tục, còn việc triển khai vẫn nằm trên giấy.
Các bước tiếp theo chưa được thực hiện, vì thế, chưa thể đánh giá được các thuận lợi, khó khăn, hiệu quả của nhiệm vụ trong thực tiễn…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều chuyển biến và đóng góp tích cực nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế-xã hội của tỉnh.
Việc nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức. Số lượng tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay khá khiêm tốn, chưa tạo bước phát triển mở rộng, năng lực nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh cho biết, việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ gặp vướng mắc trong khâu chuyển giao để ứng dụng vào thực tiễn.
Một số mô hình sau khi nhận bàn giao từ đơn vị nghiên cứu đã được huyện triển khai ngay tại địa phương và mời hợp tác xã tham gia. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính rõ ràng, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Thuần chia sẻ, theo quy định, tài sản đầu tư từ ngân sách là tài sản công. Những tài sản hình thành sau nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ là tài sản công, được quản lý theo luật và chuyển giao cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Tài sản này sẽ không được chuyển cho hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân. Đây cũng là một bất cập lớn.
Gỡ điểm nghẽn để phát triển
Theo tinh thần Nghị quyết 57, thời gian tới, Đắk Nông sẽ có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Cụ thể, tỉnh khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, cải cách phương thức quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu.
Các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập được giao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự, được phép hợp tác với doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Đáng chú ý, tỉnh thống nhất nâng cấp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập hoạt động hiệu quả. Các tổ chức này sẽ được sử dụng ngân sách nhà nước để thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng chủ trương cơ cấu lại ngân sách chi cho khoa học và công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; đồng thời, có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với sản phẩm nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong tỉnh tạo ra.
Đồng chí Hoàng Văn Thuần cho biết: Hằng năm, ngành khoa học và công nghệ Đắk Nông đã tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đánh giá năng lực, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp; từ đó, xác định nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ, giúp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ mới.
Về phát triển nhân lực, Đắk Nông chủ trương xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đủ mạnh, có năng lực tham mưu cho chính quyền trong hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia khoa học và công nghệ cũng được quan tâm.
Tỉnh sẽ thí điểm thành lập các trung tâm, phòng nghiên cứu giảng dạy về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các trường học; phổ cập kỹ năng số cho người dân thông qua nền tảng trực tuyến. Hiện nay, Đắk Nông đã ký kết chương trình hợp tác với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Đồng Nai và năm trường đại học về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi hỗ trợ Đắk Nông trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là ở một số lĩnh vực như năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến.
Tỉnh Đắk Nông sẽ có chính sách đủ mạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp.
Tỉnh cũng chủ trương khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm sáng tạo; hình thành các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ làm nhiệm vụ giới thiệu, cung cấp dịch vụ, công nghệ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường...; tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp các mô hình phát triển phù hợp với đặc thù của địa phương…