Phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa-đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế. Theo đó, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc bảo tồn cảnh quan, giá trị địa chất, văn hóa... và tổ chức các hoạt động truyền thông, liên kết du lịch, từng bước nâng cao vị thế của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Núi lửa Nâm Kar thuộc thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô là một trong những núi lửa trẻ, hình thành do sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ.
Núi lửa Nâm Kar thuộc thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô là một trong những núi lửa trẻ, hình thành do sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ.

Những giá trị riêng có

Với sự hội tụ của các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, văn hóa, cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực, Công viên địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn tại tỉnh Hà Giang và Non nước Cao Bằng tại tỉnh Cao Bằng.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có tổng diện tích 4.760 km2, nằm trải dài trên địa bàn các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa.

Nếu các công viên địa chất khác ở miền bắc Việt Nam chủ yếu là đá vôi chiếm diện tích đến 60-70% thì Công viên địa chất Đắk Nông có sự khác biệt, hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan của hệ thống núi lửa, về sau phân hóa thành đất đỏ trù phú mang lại nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, cây ăn quả.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cũng ghi dấu ấn bởi hệ thống núi lửa đẹp, hoang sơ, kết cấu độc đáo với năm miệng núi lửa, bao gồm cả núi lửa âm và núi lửa dương, là nơi lưu giữ lịch sử kiến tạo địa chất của lớp vỏ Trái đất in dấu lên vùng đất này.

Trong đó, núi lửa Chư B’Luk đã tạo ra hệ thống 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m. Tiêu biểu là hang C7 có chiều dài được ghi nhận lên đến 1.266m, là hang động có giá trị khoa học mang tầm cỡ quốc tế với quy mô độc đáo bậc nhất Đông Á.

Điểm đặc biệt nhất so với toàn thế giới là các nhà khoa học đã tìm ra những di chỉ khảo cổ của người tiền sử, trong đó có 1 bộ di cốt người tiền sử cách đây 6.000-7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình ở trong hang động núi lửa. Điều này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong nước và nước ngoài…

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã xây dựng được ba tuyến du lịch độc đáo, đầy nhạc điệu: “Trường ca của Lửa và Nước”, “Bản giao hưởng của Làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất” với 44 điểm di sản.

Tháng 6/2023, Công viên địa chất Đắk Nông thành công vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất, tiếp tục được UNESCO tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024-2027 vào tháng 7/2024. Đây là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của người dân Đắk Nông trong hành trình vươn đến một thương hiệu quốc tế…

Hướng đến phát triển bền vững

Liên tục trong các năm 2021 và 2022, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch làm cơ sở để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các chương trình, hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Tỉnh cũng đẩy nhanh hoàn thiện việc khoanh vùng bảo vệ di sản trong vùng Công viên địa chất.

Trong đó xác định khoảng 160 điểm di sản địa chất, tự nhiên để khoanh vùng bảo vệ; đồng thời xác định các khu vực là vùng lõi để bảo vệ nghiêm ngặt; vùng đệm, vùng chuyển tiếp để hạn chế tác động và vùng ngoài bảo vệ để thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, thu hút dự án đầu tư…

Huyện Krông Nô là vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với nhiều di sản địa chất gắn với hệ sinh thái rừng, thác nước, sông, hồ, núi lửa đa dạng, độc đáo,… là nơi tập trung nhiều di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, nhiều cánh đồng dung nham độc đáo. Toàn huyện có 24 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, góp phần tạo nên sự đa dạng sắc mầu văn hóa.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Xuân Danh cho biết: Những năm qua địa phương đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khai thác các tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn; nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh giá: Việc phát huy giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng cho tỉnh xây dựng và phát triển du lịch bền vững.

Do đó, ngoài việc thực hiện công tác khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực Công viên địa chất, tỉnh đặc biệt chú trọng huy động nguồn lực từ cộng đồng để tham gia phát triển du lịch, nhằm tạo sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương thông qua việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông tập trung các chính sách hỗ trợ các hộ gia đình và người dân tộc thiểu số bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng mô hình homestay; gắn phát triển du lịch với các giá trị đặc trưng của Công viên địa chất theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả thông qua lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, từng bước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch.

Thời gian tới, tỉnh tập trung kêu gọi các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia những khu vực có tiềm năng và quy mô phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Các chương trình giáo dục cộng đồng, truyền thông quảng bá, và hợp tác quốc tế sẽ được chú trọng triển khai để thu hút cộng đồng địa phương, xã hội hóa nguồn lực đầu tư và định vị thương hiệu điểm đến “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông - Xứ sở của những âm điệu”, bảo đảm phát triển kinh tế song hành cùng việc gìn giữ bản sắc văn hóa và hệ sinh thái của địa phương.