Hội nghị là dịp quan trọng để các nhà khoa học, chuyên gia và cơ quan quản lý cùng phân tích toàn diện hiện tượng động đất tại địa phương, từ đó đưa ra giải pháp cảnh báo, ứng phó và giảm đến mức thấp nhất rủi ro. Các chuyên gia đến từ Viện Các khoa học trái đất trình bày các phân tích chi tiết về nguyên nhân, diễn biến và tác động của hiện tượng động đất tại tỉnh.
Báo cáo trình bày rõ ràng các số liệu khảo sát thực tế, kèm theo hình ảnh minh họa, giúp người nghe có cái nhìn trực quan và khoa học về hiện tượng này. Đồng thời, đưa ra nhiều kiến nghị về giải pháp kỹ thuật trong xây dựng hạ tầng phù hợp với điều kiện địa chất động lực tại Kon Tum, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra động đất.
Lâm Đồng đề xuất tuyến cao tốc sau khi sáp nhập tỉnh
Sau khi sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng (mới) có diện tích lớn nhất cả nước với 24.233 km2. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa các địa phương còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng hỗ trợ kinh phí, đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông hiện hữu kết nối giữa ba tỉnh Đắk Nông-Lâm Đồng-Bình Thuận. Trong đó ưu tiên đầu tư, nâng cấp đối với Quốc lộ 28; xây dựng tuyến đường động lực thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) với huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này không có tuyến cao tốc kết nối Đắk Nông-Lâm Đồng-Bình Thuận cho nên tỉnh Lâm Đồng sẽ đề xuất chủ trương, kiến nghị Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Đắk Nông-Lâm Đồng- Bình Thuận.
Kiến nghị đầu tư tuyến cao tốc này trước năm 2030 để bảo đảm kết nối các trung tâm thành phố Phan Thiết (Bình Thuận)-thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng)-thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) với khoảng cách ngắn nhất, tiết kiệm, thuận lợi, khả thi nhất.
Gia Lai triển khai xây dựng, sửa chữa hơn 7000 căn nhà
![]() |
Các địa phương tại tỉnh Gia Lai tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đến ngày 10/5, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và sửa chữa 7.004 căn nhà, đạt 85,89% so với kế hoạch; trong đó xây dựng mới 5.710 căn nhà và sửa chữa 1.294 căn nhà. Cụ thể, 197 nhà cho gia đình chính sách, người có công (đạt 89,95% kế hoạch); 1.144 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (đạt 83,2% kế hoạch); 5.663 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (đạt 86,31% kế hoạch). Đến nay, 3.928 căn nhà đã hoàn thành.
Có tám địa phương đã khởi công 100% số nhà theo kế hoạch, gồm: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, các huyện Đăk Pơ, Phú Thiện, Krông Pa, Đức Cơ, Chư Sê.
Nhãn hiệu gạo huyện Lắk được cấp giấy chứng nhận
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo huyện Lắk cho Ủy ban nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Được biết, tổng diện tích lúa gieo trồng hằng năm trên địa bàn huyện Lắk khoảng 15.000 ha, tập trung chủ yếu ở ba vựa lúa lớn ở các xã: Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết.
Cơ cấu giống lúa được sử dụng trong sản xuất tương đối phong phú và phù hợp điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất và sản lượng cao như giống: Đài thơm 8, RVT, ST24, ST25.
Thương hiệu gạo huyện Lắk được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm mục tiêu quảng bá, quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Đắk Nông chi gần 3,6 tỷ đồng ổn định dân cư biên giới, vùng thiên tai
Theo Quyết định số 585/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt kế hoạch bố trí ổn định dân cư năm 2025, sẽ có 131 hộ dân, gồm 60 hộ dân cư vùng biên giới và 71 hộ dân cư vùng thiên tai được bố trí ổn định dân cư.
Kinh phí thực hiện kế hoạch gần 3,6 tỷ đồng, trong đó có gần 2,8 tỷ đồng dùng để hỗ trợ xây dựng nhà ở và 784 triệu đồng hỗ trợ lương thực trong thời gian đầu cho các hộ dân. Nguồn kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tỉnh Đắk Nông giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch. Sở Tài chính phối hợp tham mưu bố trí kinh phí và hướng dẫn thanh quyết toán. Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức được giao trực tiếp triển khai thực hiện theo quy định tại các thông tư, quyết định của cấp có thẩm quyền về việc bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.