Theo số liệu thống kê của Sở Y tế về số ca mắc sốt xuất huyết, năm 2019 có 23.040 ca, 4 trường hợp tử vong; năm 2022 ghi nhận 10.352 ca, 10 trường hợp tử vong; trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 7.372 ca, 3 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2025 đến nay, dấu hiệu của sự bùng phát dịch được biểu hiện rõ.
Mặc dù là mùa khô nhưng toàn tỉnh đã ghi nhận gần 150 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Súp, Krông Ana, thành phố Buôn Ma Thuột là những địa phương gia tăng các trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Để góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngay từ đầu mùa mưa, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh nhằm giảm tỷ lệ mắc, tử vong do sốt xuất huyết, khống chế không để dịch xảy ra…
Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Mục tiêu là nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.
Đồng thời, ngành y tế cũng xã hội hóa công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Chỉ tiêu cụ thể được đặt ra là giảm 15% số ca mắc trên 100.000 dân, xuống còn dưới 175,5 ca; giảm tỷ lệ tử vong dưới 0,01%; ít nhất 7% số bệnh nhân sốt xuất huyết lâm sàng trong tổng số bệnh nhân ghi nhận được xét nghiệm bằng chẩn đoán huyết thanh và 3% bệnh nhân sốt xuất huyết lâm sàng được phân lập virus; ít nhất 7% số xã được triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động và 100% số ổ dịch sốt xuất huyết được xử lý theo đúng quy định về chuyên môn và thời gian…
Ngành y tế tỉnh sẽ chủ động triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết từ sớm và trên tất cả các phương diện, trong đó đẩy mạnh công tác y tế dự phòng; giám sát bệnh nhân, giám sát huyết thanh và virus, giám sát véc-tơ truyền bệnh nhằm phát hiện sớm và đề ra các biện pháp can thiệp xử lý, ngăn chặn sự bùng phát dịch kịp thời, hiệu quả.
Trong đó, tuyến tỉnh sẽ thực hiện giám sát trọng điểm tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên; tuyến huyện sẽ thực hiện giám sát trọng điểm tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và giám sát tại cộng đồng sẽ được thực hiện tại 20 xã, phường, thị trấn trọng điểm.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh còn chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cộng tác viên khi thăm hộ gia đình phải tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống; phấn đấu mỗi cộng tác viên sẽ thăm hộ gia đình ít nhất 1 lần/hộ/tháng và ít nhất 90% số hộ gia đình tại xã có cộng tác viên được cung cấp kiến thức phòng, chống dịch...
Đắk Lắk là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Do đời sống còn gặp nhiều khó khăn cho nên một bộ phận người dân chưa quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Vì vậy, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu chủ động triển khai các hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy ít nhất hai lần/năm, tổ chức chiến dịch hằng tuần tại khu vực có ổ dịch, tiếp tục duy trì hai lần/tuần tại các tháng cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm) với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và của người dân.
Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh sốt xuất huyết nói riêng tại các địa phương trong tỉnh.
Tại xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo, trung tâm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã tổ chức buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cho hơn 50 người là cán bộ xã, trưởng thôn/buôn và người dân trên địa bàn. Nội dung tập trung về nguyên nhân mắc bệnh, nguồn lây, các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương; các biện pháp xử trí khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết…
Tại Trường trung học cơ sở Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, trung tâm tổ chức buổi truyền thông trực tiếp cho hơn 1.000 học sinh. Với những hình ảnh trực quan và sinh động, các em học sinh được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về phòng, chống sốt xuất huyết.
Trước dự báo sốt xuất huyết sẽ lập đỉnh dịch trong năm 2025, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thiên Văn đã ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trong năm 2025.
Theo bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế, để công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của các cấp, các ngành, thì ý thức và sự chủ động của người dân trong phòng, chống dịch bệnh cũng hết sức quan trọng.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như thu dọn các vật dụng trong nhà, ngoài sân, trong vườn có chứa loăng quăng, bọ gậy; dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống; ngủ mắc màn để tránh muỗi đốt… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc bệnh và ổ dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng…