Sức sống của nghệ thuật đường phố

Vài năm gần đây, những màn trình diễn nghệ thuật rực rỡ và sôi động trên đường phố xuất hiện ngày càng đa dạng, trở thành một phần quan trọng của nhiều lễ hội văn hóa, liên hoan nghệ thuật. Những tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ giữa dòng người đông đúc hứng khởi tham gia và cổ vũ khiến lễ hội đường phố có sức sống, sức lan tỏa mãnh liệt.

Biểu diễn nghệ thuật tại Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG
Biểu diễn nghệ thuật tại Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG



Nghệ thuật thăng hoa trên đường phố

Gắn liền với thương hiệu của Festival Huế nhiều năm qua, lễ hội nghệ thuật đường phố luôn nhận được sự mong chờ, hưởng ứng của người dân địa phương và du khách. Mỗi năm mang một chủ đề, song điểm chung là sắc màu nghệ thuật phong phú từ nhiều nền văn hóa. Mới đây nhất, lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” của Festival Huế 2016 thu hút 23 quốc gia với hàng chục đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tham dự. Các nghệ sĩ đã cống hiến cho khán giả một “bữa tiệc” nghệ thuật với những màn hát, múa, nhảy, biểu diễn xiếc, ảo thuật, hòa tấu nhạc cụ… được thể hiện nhuần nhuyễn, giàu cảm xúc trong những bộ trang phục truyền thống đặc trưng quốc gia và dân tộc, trên một số tuyến phố chính của thành phố. Người xem chật kín hai bên đường. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival nhận định: “Lễ hội đường phố là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản Việt Nam lẫn bạn bè quốc tế; tạo không khí náo nhiệt, tươi vui, thắm tình hữu nghị, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ”.

Mặc dù là loại hình có xuất xứ nước ngoài, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, lễ hội đường phố nhanh chóng được đón nhận nhờ những ưu điểm như: không gian biểu diễn rộng mở; không giới hạn số lượng người tham dự; tính linh hoạt và sự tương tác cao giữa người biểu diễn với công chúng. Lễ hội đường phố cũng không mặc định một hình thức đồng diễn âm nhạc, diễu hành, mà có thể tùy biến, dung nạp thêm rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau, như: sắp đặt, trình diễn ánh sáng, vẽ tranh tường, ẩm thực, thể thao đường phố... Hòa trộn và lấy cảm hứng từ đời thường để tồn tại, phát triển, những loại hình nghệ thuật này thường được gọi chung là nghệ thuật đường phố hay nghệ thuật công cộng. Thật thú vị khi trong cùng một khoảng không gian, thời gian nhất định, người xem có thể được thưởng thức lần lượt từ dân ca đến nhạc điện tử, từ múa nón đến nhảy hip-hop, vừa xem ảo thuật, vừa xem trình diễn thời trang… Đó cũng là lúc tất cả mọi người thật sự hòa mình vào lễ hội.

Để lại những ấn tượng và cảm xúc tốt đẹp trong lần đầu được tổ chức, lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa Tây Nguyên” của Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc Tây Nguyên 2016 tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) là hành trình đưa người xem qua những miền nghệ thuật đậm chất sử thi huyền ảo, hùng tráng của núi rừng. Giữa lòng phố thị hiện đại, 600 nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên năm tỉnh Tây Nguyên mang đến cồng chiêng, đàn T’rưng, cà kheo, mặt nạ, thổ cẩm… giới thiệu với các dân tộc anh em và du khách qua các màn trình diễn độc đáo. Đáng quý là bên cạnh lớp nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm, có một lực lượng đông đảo thành viên là thanh niên hoặc các em nhỏ cũng hào hứng tham gia. Có thể coi đó là một tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật truyền thống. Lễ hội đường phố đã góp phần khơi dậy niềm tự hào ở bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó xây dựng ý thức lưu giữ và bảo tồn các vốn quý này.

Lễ hội đường phố có khi hoàn toàn là sản phẩm của sự sáng tạo và tinh thần tự nguyện của người dân. Đó là trường hợp của lễ hội Trung thu ở TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) với tên gọi “Đêm hội thành Tuyên”. Khởi nguồn từ tấm lòng yêu thương và quan tâm con trẻ, suốt 12 năm qua, cứ đến tháng 8 Âm lịch là các khu phố, trường học, xã, phường trên toàn thành phố lại nô nức làm xe mô hình, lồng đèn khổng lồ chuẩn bị cho lễ rước đèn hoành tráng, lung linh vào đúng đêm rằm. Từ chỗ tự phát, rồi được chính quyền tổ chức và trở thành lễ hội văn hóa cấp tỉnh vào năm 2014, lễ hội có quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng ngày càng nâng cao, thu hút hàng chục nghìn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đúng hội, đoàn xe diễu hành qua nhiều ngả đường trung tâm thành phố với sự chứng kiến của đông đảo khán giả. Hàng trăm lồng đèn, mô hình đẹp mắt và cầu kỳ được tạo nên từ bàn tay tài hoa, khéo léo và óc tưởng tượng phong phú của người dân; kết hợp âm nhạc, ánh sáng để làm nên đêm hội tuyệt vời, đáng nhớ dành cho các em thiếu nhi. Với người trưởng thành, lễ hội giống như tấm “vé về tuổi thơ” đầy màu sắc và mơ mộng với những nhân vật từ cổ tích, truyện tranh, con vật đáng yêu và những món đồ chơi cả truyền thống lẫn mới lạ…

Sân chơi cho nghệ thuật quần chúng

Nhận thấy sức hấp dẫn và lan tỏa của lễ hội đường phố, rất nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đã đưa loại hình này vào chương trình hoạt động và ít nhiều tạo dấu ấn, như các Lễ hội Hoa Ban (Điện Biên), Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh), Tam giác mạch (Hà Giang), Festival Biển Nha Trang (Khánh Hòa)… Tuy nhiên, không cần phải chờ đến các kỳ cuộc lớn hằng năm, nghệ thuật đường phố vẫn diễn ra với nhiều hình thức và quy mô, lan tỏa vào mọi ngóc ngách của đời sống. Đều đặn cứ mỗi dịp cuối tuần, rải rác trên các tuyến phố đi bộ trong lòng phố cổ Hà Nội, một số loại hình sân khấu dân gian và đương đại được biểu diễn trực tiếp, sinh động, là điểm nhấn thu hút du khách. Không chỉ làm phong phú, hấp dẫn cho cảnh và người Hà Nội, những hoạt động này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản âm nhạc truyền thống, cũng như quảng bá các loại hình nghệ thuật mới. Ngọc Anh, sinh viên Trường đại học Văn hóa (Hà Nội), đã nhiều lần cùng nhóm bạn đi xem biểu diễn ở phố cổ, chia sẻ: “Dù không hiểu rõ lắm về ca trù, chầu văn hay hát xẩm, nhưng trong không gian đẹp, thoáng và gần gũi, tự nhiên, màn biểu diễn của các cô, chú nghệ sĩ cũng trở nên thú vị với bọn em”.

Ở TP Đà Nẵng, từ tháng 3 đến nay, vũ hội đường phố với sự xuất hiện của các nghệ sĩ kèn hơi và vũ công vừa đi bộ, vừa chơi nhạc, khiêu vũ khiến không gian văn hóa phía bờ đông sông Hàn như được “đánh thức”. Tham gia, hầu hết là các nghệ sĩ không chuyên đang sinh hoạt tại các Câu lạc bộ thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố như: Kèn hơi, Vũ đạo thể dục - thể thao và giải trí, Khiêu vũ Mây Xanh và học sinh, sinh viên một số trường trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, khẳng định: “Vũ hội đường phố gần đây được người dân và du khách đánh giá cao, là điểm hẹn của người yêu nghệ thuật. Vì thế, ngoài đầu tư hình thức, nội dung các tiết mục phải mang đậm bản sắc của Đà Nẵng, không lẫn lộn với lễ hội đường phố của các địa phương khác”. Tại TP Hồ Chí Minh, Liên hoan nghệ thuật đường phố lần đầu được Báo Tuổi Trẻ phối hợp một số đơn vị nghệ thuật tổ chức, với hình thức gửi đoạn băng và bình chọn qua mạng. Qua một số đợt sơ khảo, nhiều tiết mục xuất sắc đã được đầu tư bài bản và biểu diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để phục vụ người dân và du khách, thu được những phản hồi tích cực.

Tuy nhiên, không phải lễ hội đường phố nào cũng thành công, bộ môn nghệ thuật nào cũng cuốn hút. Đã có những lễ hội được quảng cáo hoành tráng nhưng khi diễn ra thì nhạt nhẽo, thiếu sức sống. Hoặc tình trạng đua nhau tổ chức lễ hội đường phố khiến ở một số nơi lễ hội rập khuôn nhau, thiếu bản sắc. Vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường… trong và sau lễ hội cũng khiến những người tổ chức và tham gia phải trăn trở. Mặc dù vậy, lễ hội nghệ thuật đường phố vẫn là một nét đẹp cần được phát huy, vừa để bảo tồn văn hóa và thúc đẩy du lịch, vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân trong xu thế hội nhập và phát triển.