

1.Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 3 tháng 7 năm 1917 ở thôn Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Đông (nay là xã Quyết Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ông là con thứ trong một gia đình nghèo có bốn anh em. Thân sinh của ông là cụ Nguyễn Bá Cầu làm nghề thợ mộc ở phố Lò Sũ, Hà Nội. Nguyễn Bá Khoản bị bệnh hen nên không thể theo nghề mộc của gia đình. Bố tặng ông một chiếc máy ảnh, ông tự mày mò học chụp ảnh. 15 tuổi ông đã chụp ảnh đưa tin cho các báo. Nguyễn Bá Khoản sớm giác ngộ cách mạng, tham gia công tác thanh niên từ những năm 1935 - 1936, là phóng viên cho nhiều tờ báo của Đảng: Báo Tin Tức, Thời Thế, Bạn Dân… Khi mới chỉ 20 tuổi, ông đã có những bức ảnh đầu tiên chụp về “Hội nghị báo giới Bắc kỳ tại Hà Nội (24/4/1937); “Đoàn bảo giới và đoàn phụ nữ tham gia cuộc mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo - Hà Nội” ngày 1/5/1938 (Nay là Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt -Xô); “Hội nghị truyền bá Quốc ngữ tổ chức ở Hà Nội vào tháng 5/1938”. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông là phóng viên của Tổng bộ Việt Minh, hoạt động ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, làm Trưởng phái đoàn thanh tra các mặt trận Nam Bộ, hai lần Nam tiến làm đặc phái viên Thông Tấn xã và phóng viên chiến tranh của Báo Cứu Quốc. Ông từng có mặt ở các mặt trận liên khu I, II, III, IV trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là thành viên trong Ủy ban Quân chính Hà Nội về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Sau đó ông về làm phóng viên, biên tập ở Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông được biệt phái sang làm phóng viên chiến tranh cho Ủy ban Điều tra Tội ác Chiến tranh của Đế quốc Mỹ tại Hà Nội trong 6 năm.
Nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản giới thiệu với Tổng Bí thư Đỗ Mười xem phòng triển lãm các tác phẩm của mình tại phòng triển lãm số 19 Hàng Buồm, Hà Nội.
Nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản giới thiệu với Tổng Bí thư Đỗ Mười xem phòng triển lãm các tác phẩm của mình tại phòng triển lãm số 19 Hàng Buồm, Hà Nội.
Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, Nguyễn Bá Khoản luôn có chiếc máy ảnh đồng hành và ghi lại được những thời khắc lịch sử của đất nước. Vì thế, ngay trong kháng chiến, ông đã có 4 triển lãm ảnh do Báo Cứu Quốc tổ chức. Đó là triển lãm 550 bức ảnh kháng chiến ở Nam Bộ lấy tiền gây quỹ Độc lập và triển lãm 200 bức ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp ở các mặt trận tiền tuyến Nam Bộ, Nam Trung Bộ và mặt trận Lào. Ảnh của hai cuộc đều được in và gửi đi tuyên truyền ở các tỉnh thành lớn trong cả nước. Ngoài ra, ông còn có triển lãm ảnh ở Liên khu I Thủ đô năm 1948 và triển lãm Kháng chiến Toàn quốc tại Đại hội Văn nghệ Trung ương tại Việt Bắc. Sau năm 1954, ông có triển lãm tại nhà hàng Thủy Tạ, Bờ Hồ thu hút 20 vạn lượt người xem.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành.
Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá: “Thật hiếm có một nghệ sĩ nhiếp ảnh nào như Nguyễn Bá Khoản: Hơn nửa thế kỷ cầm máy, hơn nửa thế kỷ dốc trọn tâm huyết làm một nhân chứng lịch sử, ông đã có được 14 cuộc triển lãm ảnh ở trong nước và nước ngoài, là người có triển lãm ảnh lịch sử sớm nhất (triển lãm ảnh về Nam bộ kháng chiến từ năm 1946, triển lãm ảnh về Thủ đô giải phóng năm 1957…) và cũng là người đã tự nguyện cống hiến nhiều nhất những bức ảnh lịch sử quý giá vô vàn của mình cho các bảo tàng, tổng cộng đến mấy ngàn bức”….
Bộ đội ta chiến đấu ở ga Bình Triệu (phía Bắc Sài Gòn), tháng 10/1945.
Bộ đội ta chiến đấu ở ga Bình Triệu (phía Bắc Sài Gòn), tháng 10/1945.
Một khẩu đội pháo tại trận địa Pháo đài Láng tháng 12-1946 (Ảnh tư liệu).
Một khẩu đội pháo tại trận địa Pháo đài Láng tháng 12-1946 (Ảnh tư liệu).
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ (1-10-1945).
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ (1-10-1945).
2. Để có được bộ “biên niên sử” đồ sộ của cách mạng Việt Nam bằng hình, ống kính của Nguyễn Bá Khoản liên tục hướng về những sự kiện quan trọng của đất nước. “Người nghệ sĩ, chiến sĩ Nguyễn Bá Khoản, bằng tài năng thiên bẩm và lòng quả cảm của mình đã biến những khoảnh khắc trở nên vĩnh hằng thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh”. Nhà văn Ma Văn Kháng đã viết về ông như vậy.
Quyết tử quân Hà Nội truy kích địch trên phố Hàng Bài, tháng 12-1946.
Quyết tử quân Hà Nội truy kích địch trên phố Hàng Bài, tháng 12-1946.
Đó là hình ảnh 34 chiến sĩ, những người con quần nâu áo vải, chân đất, ruột tượng gạo quàng vai, đứng trang nghiêm dưới lá cờ đỏ sao vàng, nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” trong khu rừng Trần Hưng Đạo; là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra lễ đài đọc “Tuyên ngôn Độc lập” giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945. Hay những bức ảnh như "Đánh chiếm Bắc Bộ phủ" (19-8-1945), "Hội nghị Báo giới Bắc kỳ" (1937), "Mít tinh ở khu Đấu Xảo" (1938), "Đại hội truyền bá chữ Quốc ngữ" (5-1938), "Chiến đấu ở Ngã Tư Vọng" (2-12-1946), "Đánh chiếm Viện Pasteur" (12-1946), "Đánh địch ở Cầu Giấy" (1-1947), "Đường Trần Nhân Tông biến thành ụ súng" (1-1947), "Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (1945), "Thanh niên Hà Nội xung phong vào Nam đánh giặc" (10-1945), "Đoàn quân Nam tiến" (10-1945), "Một tổ chiến đấu trên phố Hàng Chiếu" (12-1946), "Đoàn quân tiến về Giải phóng Thủ đô" (10-1954) và hình ảnh người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội trên cầu Long Biên...
Bộ đội ta từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Bộ đội ta từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Nhà sử học Trần Quốc Vượng nhận định: “Ảnh của Nguyễn Bá Khoản không biết bao nhiêu album trước và sau Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thực sự là một bộ sử bằng hình ảnh, vừa trung thực, vừa đẹp của một tấm thiện tâm vì đất nước”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: “Ông là người chép lịch sử Việt Nam bằng ống kính nhiếp ảnh, để có được những tấm ảnh tư liệu lịch sử vô giá, ghi tạc trên những trang báo, trang sách để đời. Ông là người cầm máy ảnh đi tiên phong, thuộc hàng ngũ những người đầu tiên của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, dấn thân, dùng nghệ thuật nhiếp ảnh như một vũ khí sắc bén “phò chính, trừ tà”, góp phần có hiệu quả tuyên truyền cho chính nghĩa, cho bản anh hùng ca của chiến tranh nhân dân ở Việt Nam trong thế kỷ XX với thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ những chiến công chấn động địa cầu”.
Nhân dân Hà Nội biểu tình tại Quảng trường Nhà hát lớn phản đối quân đội Anh ngang nhiên dùng vũ lực chiếm Nam bộ phủ (14-9-1945).
Nhân dân Hà Nội biểu tình tại Quảng trường Nhà hát lớn phản đối quân đội Anh ngang nhiên dùng vũ lực chiếm Nam bộ phủ (14-9-1945).
Điều quý giá hơn là ông đã hiến tặng hàng nghìn bức ảnh lịch sử vô cùng quý giá cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Quân đội, Cục Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức văn hóa, lịch sử của các nước bạn. Những bức ảnh có chú thích cụ thể, rõ ràng ngày, tháng, năm. Không chỉ có giá trị trong nước, ảnh của Nguyễn Bá Khoản ngay từ những năm tháng kháng chiến đã được gửi ra nước ngoài, đó là Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới tại Praha (Tiệp Khắc). Cũng trong năm đó, ông tham dự triển lãm “Cần lao Quốc tế” ở Ba Lan. Năm 1952 ông tham dự triển lãm ảnh hữu nghị Việt - Trung - Xô tổ chức tại Thanh Hóa... Những bức ảnh đã trở thành cầu nối đưa hình ảnh và nhân dân Việt Nam đi ra thế giới, phản ánh cuộc đấu tranh vì tự do và hòa bình của dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri tại Khu học xá Trung ương (nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội) ngày 12-1-1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri tại Khu học xá Trung ương (nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội) ngày 12-1-1946.
Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 25/8/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, quy tụ nhiều trí thức không phân biệt thành phần, đảng phái.
Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 25/8/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, quy tụ nhiều trí thức không phân biệt thành phần, đảng phái.
Lễ Khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ở Nhà Hát lớn,,Hà Nội ngày 28/10/1946.
Lễ Khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ở Nhà Hát lớn,,Hà Nội ngày 28/10/1946.
3.Bà Diệu Ân, con gái của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản năm nay đã ngoài 80 tuổi. Hồi ức lại những câu chuyện về bố, bà rưng rưng xúc động. Trong ký ức của bà Diệu Ân, là hình ảnh bố suốt ngày lụi hụi trong buồng tối. Đó là những ngày hè oi bức, nhà chật chội, không có quạt, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn nhưng bố bà vẫn miệt mài tráng phim và làm chú thích cho từng bức ảnh. Thỉnh thoảng lên cơn hen, ông phải dừng lại dùng thuốc, rồi tiếp tục công việc. Hơn 10 năm ròng rã, ông cùng chị Đào, cán bộ của Cục Lưu trữ Quốc gia đã chú thích hàng vạn bức ảnh mà ông chụp. Bởi ông quan niệm, đó là những tư liệu lịch sử để lại cho đời sau nên cần chân thực, chính xác.
Nhân dân phố Mai Hắc Đế, Hà Nội dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của quân Pháp, tháng 12-1946.
Nhân dân phố Mai Hắc Đế, Hà Nội dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của quân Pháp, tháng 12-1946.
Hành trang để làm nên kho tàng ảnh vô giá của Nguyễn Bá Khoản chỉ đơn sơ với chiếc máy ảnh Prontor 2 cũ, cái bơm thuốc để chống lại những cơn hen suyễn bất thường và chiếc xe đạp cũ của Pháp. Bắng chiếc xe đạp ấy, ông một mình như con thoi tung hoành khắp nơi, có đợt còn đạp một vòng Đông Dương. Ông không ngại hiểm nguy và luôn có mặt cùng các chiến sĩ ở những nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất. Vì thế những bức ảnh của ông luôn mô tả chân thực, sinh động cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Bộ đội ta chiến đấu ở ga Bình Triệu (phía Bắc Sài Gòn), tháng 10/1945.
Bộ đội ta chiến đấu ở ga Bình Triệu (phía Bắc Sài Gòn), tháng 10/1945.
“Mỗi lần có sự kiện xảy ra, bố tôi quẳng xe đạp chạy lên xe cứu hỏa đi luôn để kịp chụp ảnh hiện trường. Có lần ông trèo lên tầng cao nhất của cầu Long Biên trong khi máy bay Mỹ lượn trên bầu trời Hà Nội để ghi lại hình ảnh chiến đấu anh dũng của bộ đội phòng không và không quân ta. Để có những bức ảnh giá trị, ông đã dũng cảm đối diện với hiểm nguy, đối diện với cả cái chết… Bố tôi đã luôn làm việc với tâm thế đó”. Bà Diệu Ân kể.
Bà nói, gia đình bà là một gia đình yêu nước. Di sản của bố để lại sẽ không thể vẹn toàn nếu không có mẹ, nữ hộ sinh Cao Bích Thu bảo vệ. Bà đã kỳ công lưu giữ nguyên vẹn gần 50.000 bản phim gốc và hàng chục nghìn bức ảnh vô cùng quý giá được cho là bộ tư liệu lịch sử bằng hình ảnh độc nhất vô nhị.
Các chiến sĩ Giải phóng quân dự lễ Độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945.
Các chiến sĩ Giải phóng quân dự lễ Độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945.
“Mẹ tôi luôn giúp bố phóng ảnh, rửa ảnh. Năm 1945, hai bố mẹ còn tổ chức một trại tế bần ở Giáp Bát nấu cháo cứu người nghèo. Khi kháng chiến bùng nổ, mẹ là người gánh tài liệu - một bên là con gái, một bên là thùng tài liệu toàn bộ phim ảnh của bố mang về Gia Viễn - Ninh Bình cất giấu trong chiếc vò sành, lót vôi bột ở dưới, bịt thật kín để chống bị ẩm. Ngày đó, báo Cứu Quốc cũng sơ tán về Ninh Bình. Nếu không có mẹ bảo vệ và hiểu được giá trị của những thước phim mà bố chụp, hôm nay chúng ta không thể có một gia tài lịch sử như vậy”. Bà Diệu Ân khẳng định.
Nguyễn Bá Khoản (1917-1993) - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 1996.
Nguyễn Bá Khoản (1917-1993) - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 1996.
Ngày 30/3/1993, Nguyễn Bá Khoản trút hơi thở cuối cùng sau ngần ấy năm gắn bó với Hà Nội, với những sự kiện trọng đại của đất nước. Cuộc sống của ông cũng trải qua nhiều thăng trầm do bị hiểu nhầm. Có một thời đoạn ông phải chịu thiệt thòi, mất mát nhưng ông vẫn một lòng trung kiên, tận hiến tài năng và tình yêu cho đất nước. “Đôi lúc tôi tự hỏi, điều gì đã giúp bố vượt qua bệnh tật, hoàn cảnh ngặt nghèo và cả những nỗi hiềm oan để sống và làm việc, cống hiến cho đất nước mà không một lời kêu ca, phàn nàn. Ông đã bỏ qua tất cả để làm vệc, dấn thân với tinh thần của một chiến sĩ luôn lạc quan, xung phong trên tuyến đầu. Có lẽ, đó chính là tinh thần yêu nước và lý tưởng sống mà ông theo đuổi”. Bà Diệu Ân nói. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Ba, Huân chương Chống Mỹ Cứu nước Hạng Nhất cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước. Năm 1996, sau khi mất 3 năm ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng cao quý: “Giải thưởng Hồ Chí Minh” vì những đóng góp giá trị của ông cho Tổ quốc.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy và đại diện gia đình danh nhân Nguyễn Bá Khoản thực hiện nghi lễ gắn biển tên phố Nguyễn Bá Khoản.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy và đại diện gia đình danh nhân Nguyễn Bá Khoản thực hiện nghi lễ gắn biển tên phố Nguyễn Bá Khoản.
Ngày nay, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) và Nha Trang (Khánh Hòa) có 2 con phố mang tên nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản. Hà Nội là nơi sinh của một con người tài danh, còn Nha Trang là nơi ông đã có nhiều bức ảnh lịch sử quý hiếm về phong trào "Nam Tiến" năm 1945. Những con đường vẫn lặng lẽ xanh để viết tiếp hành trình của ông trong chiều dài đất nước….
Nội dung: Bảo Linh
Trình bày: Dương Thịnh
Ảnh: Nhân Dân, baotanglichsu.vn, nhiepanhdoisong.vn, Internet