Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng vọng vang trong lòng Tổ quốc. Từ bao đời nay, giữa mênh mông biển trời, nơi đầu sóng ngọn gió đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường của những con người gắn bó thiết tha với từng tấc đất nồng hơi muối, từng ngọn sóng bạc đầu. Trường Sa hôm nay đang khoác lên mình một mầu áo mới - màu xanh của sự sống, niềm tin và hy vọng.

Gió thổi từ biển khơi mang theo vị mặn mòi của sóng, quyện cùng nắng chói chang đổ xuống từng tán lá phong ba, bão táp, bàng vuông, mù u… Từ phía chân trời, quần đảo hiện lên qua những nét chấm phá kiêu hãnh giữa đại dương xanh thẳm. Khó ai có thể hình dung, giữa vùng biển bao la sóng gió ấy, hiện hữu một Trường Sa tràn đầy sắc xanh được vun đắp bằng mồ hôi, lòng yêu nước và biết bao tình cảm chan chứa từ đất liền. Đến với Trường Sa, thấy đảo vững chãi giữa muôn trùng sóng, thấy sự hồi sinh kỳ diệu từ chính những điều tưởng như không thể: cây mọc trên đá, lá đâm chồi cạnh san hô cằn cỗi và con người hòa vào thiên nhiên như chưa từng khoảng cách.

Chúng tôi đặt chân lên đảo Trường Sa vào một ngày biển lặng. Mặt nước xanh biếc tựa tấm gương soi bóng mây trời, soi cả dáng hình những người lính đảo đang hồ hởi đón khách, pha trà… Ở tất cả các đảo, điều khiến khách bất ngờ nhất là những chậu nước trong veo được đặt ngay ngắn dọc lối đi. Chậu nào cũng ăm ắp, long lanh ánh nắng - một món quà mát lành từ tấm lòng người lính gửi khách phương xa. Ở nơi từng giọt nước được ví như vàng, nước được chắt chiu từ mưa và máy lọc nước biển, thì những chậu nước kia là lời chào đón thầm lặng mà đầy ân tình. Nước quý lắm! nước để tưới cho cây bén rễ; cho giàn rau đương thì kết nụ trổ hoa… Người lính đảo ngày nay vẫn tắm bằng gáo, rửa mặt bằng khăn ẩm, tiết kiệm đến từng giọt, nhưng với khách, họ sẵn sàng cởi mở, chăm lo.

Trên con đường nhỏ uốn quanh khu doanh trại, hàng bàng vuông rợp bóng. Trong khu vườn yên ả giữa lòng biển cả., giàn mướp, giàn bầu trĩu trịt quả xen giữa là những luống rau mướt xanh. Khắp các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa, từ Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết… đến Đá Nam, Đá Tây… đều đang dần vươn xanh. Từng tán lá rung rinh gió biển, từng thân cây vặn vẹo vượt qua  gió táp, khô cằn. Những loài cây đã gắn bó với đảo từ bao đời, như: phong ba, bão táp, bàng vuông, tra, mù u, dừa… vẫn hiên ngang mãi đó - thân vững vàng, lá dày vươn mình ra phía biển. Trường Sa giờ đây còn có thêm những sắc xanh mới với cây ăn trái, như: xoài, đu đủ; cây gia vị: chanh, giang; các loại rau; cây hoa cảnh… được mang từ đất liền ra. Cây được trồng với đất chuyển ra từ đất liền, tưới bằng nước mưa chắt chiu từng đợt. Sắc xanh cũ có, mới có xen nhau tạo nên bản hòa ca đầy sức sống diệu kỳ.

Dưới cái nắng cháy gắt nơi đảo xa, hình ảnh những người lính trẻ lom khom bên luống rau, tay cẩn thận gỡ từng cọng cỏ dại, mắt dõi từng giọt nước nhỏ xuống gốc cây gợi bao niềm xúc động. Các vị sư trụ trì ở 9 ngôi chùa trên quần đảo cũng lặng lẽ chăm sóc cây. Mỗi vị có một sở thích riêng về cây cối nhưng đều thiết tha, tỉ mỉ. Mùa huấn luyện, bộ đội bận rộn hơn với thao trường, bãi tập, rèn luyện giữa nắng gió gay gắt. Biết người lính  không thể chăm lo vườn rau, chậu cây cảnh như ngày thường, sư thầy trong chùa lặng lẽ gánh vác phần việc ấy. Mỗi sáng sớm, khi bình minh vừa hé rạng, sư thầy đã xách từng thùng nước, tưới từng gốc cây, nhặt lá sâu. Người lính trồng cây để nuôi dưỡng sự sống, cải thiện bữa ăn có thêm rau xanh, thêm bóng râm che nắng cho đồng đội, nhân dân. Sư trụ trì chăm cây như gieo vào đất từng hạt mầm thiện lành, gửi vào gốc rễ lời cầu nguyện cho bình yên nơi biển đảo. Họ gặp nhau trong công việc giản dị mà tinh thần đầy nhân văn: giữ cho Trường Sa xanh mãi. Chính từ những bàn tay kiên nhẫn ấy, mầu xanh giữa đảo xa đã tồn tại, lan tỏa, bền vững trong yêu thương, khát vọng.

Chúng tôi nhớ mãi một buổi trưa trên đảo Sơn Ca, nắng như đổ lửa, hắt lên từng mái tôn, từng bức tường bê tông hầm hập. Gió biển càng thêm rát bỏng, tưởng chừng mọi sự sống cũng phải chùng xuống. Ấy vậy mà trong khu vườn tăng gia bên bếp ăn, những luống cải vẫn xanh rờn, tươi rói như vừa qua cơn mưa. Từng khóm dưa trĩu quả, dây mướp bò quanh giàn, bông vàng rực rỡ giữa nền trời xanh thẳm. Một chiến sĩ trẻ cười hiền, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, tâm sự đầy tự hào: “Mỗi cây xanh là một niềm vui. Gieo được một hạt giống, giữ được một mầm xanh là gìn giữ cả niềm tin, sự sống cho cả thế hệ mai sau”.

Đại biểu thăm đảo Sinh Tồn

Đại biểu thăm đảo Sinh Tồn

Đứng dưới tán cây, rưng rưng nghĩ về thế hệ những người lính đã trồng cây cho mai sau. Để có được bóng mát hôm nay, phải mất hàng chục năm, những người lính đi trước cần cù vun đắp. Những người lính năm nào dù biết rằng phải chờ đợi rất lâu mới có được bóng râm che mát, nhưng họ vẫn không ngừng gieo niềm hy vọng, niềm tin rằng Trường Sa sẽ mãi xanh, sẽ luôn là nơi yên bình, vững chãi cho các thế hệ nối tiếp. Ngồi dưới bóng cây, cảm nhận được sự kỳ diệu của thời gian, của lòng kiên nhẫn và đức hy sinh. Mỗi mầm xanh là một phần của thiên nhiên, cũng thuộc về một phần ký ức, một phần máu xương của những người lính đã sống, đã chiến đấu, đã vun đắp cho tương lai của Tổ quốc.

“Mỗi cây xanh là một niềm vui. Gieo được một hạt giống, giữ được một mầm xanh là gìn giữ cả niềm tin, sự sống cho cả thế hệ mai sau”.

Bộ đội gác cột mốc dưới tán cây

Bộ đội gác cột mốc dưới tán cây

Trong câu chuyện về sắc xanh cây lá, những người lính đảo không quên kể về ký ức mùa bão đến. Gió biển thét gào, sóng cuồn cuộn, hung bạo tàn phá sạch bách các vườn cây. Những gốc bàng vuông, phong ba, bão táp, mù u… bình thường vững chãi là thế cũng bị bật gốc, đổ la liệt khắp mặt đất. Sau bão, người lính bắt tay vào trồng lại cây mới. Các cây được cắt gọn, quét vôi, dựng lại gốc. Cuốc, xẻng bám chặt vào từng đôi tay chai sạn, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Bộ đội miệt mài trồng cây trong lời hứa với đất, với trời, và với chính mình: Dù bão táp càn quét, Trường Sa vẫn mãi xanh tươi.

Trường Sa xanh còn nhờ vào tình cảm vô bờ của đất liền. Mỗi bầu cây, mỗi gói hạt giống… đều chất chứa yêu thương, sự sẻ chia của người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Có những món quà nhỏ bé mà chứa đựng cả tâm hồn trong trẻo, thơ ngây như những gói hạt giống được các em học sinh cẩn thận gói trong giấy màu, kèm theo lời nhắn viết tay: “Cháu kính tặng các chú bộ đội, mong đảo mình thêm nhiều cây xanh”. Hạt giống bé xíu ấy được các em chắt chiu vườn rau, vườn hoa ở quê nhà; được lựa chọn khi đi chợ cùng ông bà, bố mẹ… mang theo bao háo hức, chờ mong trong tình yêu biển đảo giản dị. Ở những góc khác của đất liền, nhiều cụ già sớm chiều chăm từng gốc cây trong vườn nhà, cắt tỉa, bón phân, che nắng, chắn mưa chỉ để đến ngày cây đủ khỏe, đủ rễ, có thể lên đường ra đảo xa. Tình yêu biển đảo đôi khi bắt đầu từ những hạt giống nhỏ, gốc cây đơn sơ… nhưng khi đến được đảo xa, cây bén rễ, xòe tán, nở hoa… vươn thành sức mạnh niềm tin đầy da diết.

Trên các chuyến tàu hỏa mang cây giống từ đất liền ra, bao giọt mồ hôi của các tình nguyện viên, nhân viên ngành đường sắt được phân công chăm sóc cây đều thể hiện mối liên kết thiêng liêng, không lời giữa biển đảo và đất liền. Các bầu cây được bảo quản rất cẩn thận trong từng lớp vải mềm, lớp ni lông để cây khỏi chịu những tác động bên ngoài. Suốt hành trình, cây được tưới nước, điều chỉnh độ ẩm, cho “uống” B1, Vitamin… để bảo đảm cây đủ sức sống cho tới khi vào quân cảng Cam Ranh. Khi cây được chuyển vào quân cảng, quá trình vận chuyển, chăm sóc càng trở nên công phu hơn. Các chiến sĩ tiếp tục kiểm tra kỹ lưỡng, tưới thêm nước, nâng niu như những đứa con mà đất liền gửi gắm. Trong hải trình ra Trường Sa, với không gian có hạn của những con tàu, sự tận tình với cây càng nhân lên gấp bội. Ngoài bộ đội, các đại biểu trên tàu cũng góp công, góp sức để một mai cây xanhsẵn sàng để bén rễ trên đất đảo cỗi cằn, vươn mình giữa sóng gió, đem lại mầu xanh bát ngát, hòa vào sắc biển trời mênh mang, bất tận.

Mỗi đảo một câu chuyện, một bản anh hùng ca thầm lặng. Có những người lính giữ đảo, chuyển công tác từ đảo này sang đảo khác, lâu lâu chưa về phép; có những mái nhà đơn sơ ấm tình quân dân; thời buổi công nghệ vẫn da diết những cánh thư tay từ đất liền mang hương quê ra biển… Hơn hết, mầu xanh dường như chưa bao giờ vơi đi - mầu của cây, của lá, của tình người lan xa như sóng vỗ bờ kè.

Chiều buông nơi đảo xa, ánh nắng đã dịu lại, rót xuống những tán lá đang chuyển mầu, trải dài thành từng vệt vàng khắc khoải. Sóng vỗ nhè nhẹ vào chân đảo tựa lời thủ thỉ nghìn năm của biển cả. Giữa khung cảnh ấy, mầu xanh vẫn hiện hữu vững vàng mà mãnh liệt, bên trên là sắc cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên nền trời lồng lộng. Trước muôn trùng sóng gió, mầu xanh bất tận khiến Trường Sa trở thành nơi để nhớ thương, để tin yêu và mạnh mẽ vươn mình cùng Tổ quốc.

Ngày xuất bản: Tháng 5/2025
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH
Nội dung: Lữ Mai
Ảnh: Trần Thành
Trình bày: Phi Nguyên