Rộn ràng mùa làm rập cua

Khi những cơn mưa mùa hạ trút xuống là lúc người dân vùng Miệt Thứ (các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) lại nhộn nhịp làm các sản phẩm rập cua, đan lú để bắt tôm, cua. Tận dụng thời gian nông nhàn, nhiều người dân có thêm nguồn thu nhập vài ba triệu đồng/tháng, góp phần trang trải cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Nghề làm rập cua giúp người dân tăng thu nhập lúc nông nhàn.
Nghề làm rập cua giúp người dân tăng thu nhập lúc nông nhàn.

Những ngày này, dọc tuyến kênh Chống Mỹ, từ ấp Bào Láng, xã Nam Thái đến trung tâm xã Nam Thái A, huyện An Biên, người đi đường rất dễ lắng nghe giọng nói, tiếng cười rôm rả, sảng khoái của người dân miền biển nơi đây. Từng đôi tay thoăn thoắt, nhịp nhàng, không kém phần điêu luyện để tạo ra các sản phẩm. Một số thì chặt tre, số khác cắt lưới, nắn khung hoặc đan lưới. Cạnh hàng dừa, bóng râm cây xoài... tiếng cười nói rôm rả, tạo nên một nhịp sống ở quê xứ biển, vừa tất bật lại yên bình.

Ngồi bên hiên nhà, anh Nguyễn Văn Mến, trú tại xã Nam Thái, cắt tre để làm giá đỡ miệng lú, giúp cố định khi cắm xuống nước. Theo anh Mến, miệng lưới là khâu quan trọng nhất, bộ phận then chốt quyết định hiệu quả đánh bắt. Có khi, cũng là cái lú nhưng cá, tôm, cua không chịu vào, cái khó và kỹ năng nằm ở đôi tay người thợ. “Nghề này không nặng nhọc, mà đòi hỏi kỹ năng, làm lâu dần rồi sẽ quen. Nhất là người tinh ý thì làm ra các sản phẩm bắt được nhiều cá, tôm hơn...”- anh Mến chia sẻ.

Không chỉ làm sản phẩm lú, nhiều hộ dân ở xã Nam Thái, Nam Thái A còn rập cua, một loại ngư cụ phổ biến, giống như cái bẫy dùng để bắt cua - loài đặc sản không chỉ ở tỉnh Kiên Giang mà nhiều nơi của vùng Tây Nam Bộ. Cách chỗ anh Mến không xa là cơ sở sản xuất rập cua của anh Phạm Trung Kiên (ấp Sáu Biển, xã Nam Thái). Tại đây, một số công nhân kéo dây kẽm từ cuộn kẽm để đưa vào máy uốn. Đây là khâu đầu tiên trong quy trình làm khung rập cua. Một bộ phận khác, cẩn thận cắt lưới, chuẩn bị ráp vào khung. Số khác (phần lớn phụ nữ) tỉ mỉ đan lưới vào khung rập cua; ở khâu này, nhân công được trả 3.000 đồng/rập.

Những chiếc rập cua sau khi hoàn thiện được gắn móc ở các góc để chắc chắn hơn, sau đó xếp vào kho để đi giao cho khách hàng. Anh Kiên cho biết, cơ sở được hình thành dựa trên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rập cua ngày càng lớn. “Hơn 25 năm trước, nơi đây bắt đầu nuôi tôm, cua mang lại hiệu quả, từ đó xuất hiện làm nghề lú, rập cua. Gia đình tôi làm nghề này cũng gần 20 năm. Hằng ngày, cơ sở của tôi giao cuộn sắt, lưới để bà con làm. Sản phẩm hoàn chỉnh tôi thu về và trả công bà con 3.000 đồng/cái. Hiện nay, với rập cua, tôi bán ra thị trường với giá 25.000 đồng/cái; mỗi ngày, cơ sở làm được vài trăm cái. Ngoài mang lại thu nhập cho gia đình còn tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn.

Theo nhiều nông dân cao niên, nghề đan rập cua, ráp lú được hình thành khá sớm ở các xã ven biển của các huyện An Biên, An Minh, tỉnh Kiên Giang. Nghề này tồn tại trên dưới 30 năm, nhất là từ khi vùng Miệt Thứ được quy hoạch chuyển đổi từ 2 vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, cua kết hợp với trồng lúa vụ, dần thích ứng với biến đổi khí hậu. Cũng từ đó, nhu cầu về các sản phẩm rập cua, lú để bắt các sản vật trong vùng như tôm, cua, cá ngày càng tăng lên.

Ban đầu, người dân vùng Miệt Thứ, chỉ đan ráp lú, rập cua nhỏ lẻ phù hợp với việc bắt tôm, cua, cá dựa trên tập tính của chúng. Lâu dần, nghề này trở nên chuyên nghiệp hơn. Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất rập cua, lú ở địa phương vùng Miệt Thứ đã biết cách tạo ra các sản phẩm để dễ dàng bắt được nhiều tôm, cua, cá, đáp ứng nhu cầu của thị trường và những vụ thu hoạch sản vật của người nông dân.

Ông Nguyễn Khắc Long, Trưởng ấp Sáu Biển, xã Nam Thái cho biết, nghề làm rập cua, đan lú là một trong những nghề góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Tại các xã Nam Thái, Nam Thái A, huyện An Biên, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nghề này giải quyết việc làm cho trên dưới 300 đến 400 lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Tài nguyên tỉnh Kiên Giang cho biết, nghề làm lú và rập cua hiện là một trong những ngành nghề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn ở các xã ven biển của tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, các sản phẩm lú, rập cua của nhiều nông dân vùng Miệt Thứ làm ra không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn cung cấp đến các tỉnh lân cận như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.