Đưa nước sạch đến người dân nông thôn

Nước sạch nông thôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và từ nhiều nguồn lực, trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt giúp người dân vùng nông thôn có nguồn nước sạch sử dụng, bảo vệ sức khỏe và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công lắp đặt đường ống nước tuyến kênh Ông Tà, Ấp 3, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.
Thi công lắp đặt đường ống nước tuyến kênh Ông Tà, Ấp 3, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.

Niềm vui khi có nước sạch

Hơn hai tháng nay, gần 90 hộ dân ở tuyến kênh Xóm Huế thuộc Ấp 3 và Ấp 4 của xã Vị Trung, huyện Vị Thủy vui mừng, phấn khởi khi có nước sạch sử dụng. Người dân cho biết, trước đây, nước dùng cho sinh hoạt chủ yếu lấy từ kênh lên, phải lóng phèn (dùng phèn chua để làm trong nước). Hộ nào có điều kiện thì đầu tư xây bể hoặc mua lu, kiệu để chứa nước mưa.

Tuy nhiên, nguồn nước dưới kênh ngày càng bị ô nhiễm nặng, nhất là sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nước kênh đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Bà Nguyễn Thị Nhung, người dân sống cạnh kênh cho biết: “Trước giờ, sử dụng nguồn nước ô nhiễm dưới kênh, ai cũng lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng nhờ chính quyền, doanh nghiệp quan tâm đầu tư lắp đặt đường ống nước, người dân chỉ tốn chưa tới một triệu đồng lắp đồng hồ nước là có nước sạch sử dụng an toàn”.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Kiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ấp 3, xã Vị Trung, bên cạnh tuyến kênh Xóm Huế vừa được đầu tư lắp đặt đường ống nước, 2 tuyến kênh Ông Tà với chiều dài 1,5 km và kênh Lầu Tây chiều dài 2,8 km cũng đang được triển khai thi công, khi hoàn thành sẽ phục vụ cho 139 hộ dân.

Người dân ở 3 tuyến kênh này lâu nay rất bức xúc về nhu cầu sử dụng nước sạch, kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng phản ánh. Vì thế, khi Công ty cổ phần cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang triển khai thi công lắp đặt đường ống nước, người dân ai cũng vui mừng.

Huyện Long Mỹ là vùng trũng, phèn, nhất là vào mùa hạn hán còn chịu ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn. Vì thế, việc đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch đến người dân nông thôn càng mang ý nghĩa thiết thực hơn. Theo bà Nguyễn Ngọc Lan ở Ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, chính quyền địa phương vận động xã hội hóa để lắp đặt đường ống nước chiều dài khoảng 1 km, đấu nối với Trạm cấp nước tập trung. Nhờ vậy, 40 hộ dân ở đây ai cũng mừng, đón Tết trong niềm vui, an toàn. “Trước thì xài nước sông, do ô nhiễm nên gia đình chuyển sang giếng khoan. Nhưng phần lớn các giếng khoan cũng bị nhiễm phèn, không bảo đảm vệ sinh. Giờ có nước sạch rồi, ai cũng vui, không phải lo bị ảnh hưởng đến sức khỏe”, bà Lan cho biết.

Thời gian qua, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn tài trợ, vận động xã hội hóa, Hậu Giang đã cơ bản giải quyết giải bài toán “khát nước sạch” cho khu vực nông thôn. Năm 2004 (thời điểm mới thành lập tỉnh Hậu Giang), tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 64%. Đến năm 2024, tỷ lệ này nâng lên 98,36%, trung bình tăng 1,7% mỗi năm (thông qua kết quả điều tra Bộ chỉ số hằng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt). Trong đó, tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 99%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt hơn 92%...

Tiếp tục mở rộng hệ thống đường ống cấp nước

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Mỹ Lê Hồng Việt, những năm qua, từ nguồn vốn lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các công ty cấp nước và xã hội hóa đã giúp nâng tỷ lệ hộ dân trên địa bàn sử dụng nước sạch lên hơn 90%. Tỷ lệ hộ dân có nước sạch sử dụng từ hệ thống trạm cấp nước tập trung chiếm khoảng gần 50%, còn lại sử dụng các thiết bị chứa nước, giếng khoan...

Tuy nhiên, nguồn nước từ các giếng khoan, mặc dù người dân có xử lý một bước, nhưng chưa bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh. Vì vậy, địa phương rất cần nguồn vốn đầu tư của các công ty cấp nước, cũng như tranh thủ nguồn vận động xã hội hóa để tiếp tục đầu tư, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung.

Theo Công ty cổ phần cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang, trước đây, khi còn là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 274 trạm cấp nước, trong đó có ba trạm cấp nước tập trung và 271 trạm cấp nước mi-ni.

Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng xóa dần các trạm cấp nước mi-ni đã xuống cấp, nguồn nước không đủ chất lượng. Hiện tại, công ty chỉ còn quản lý khai thác 26 trạm cấp nước tập trung với công nghệ tiên tiến, cải thiện đáng kể chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng. Tổng số hộ gia đình có nước sạch do công ty cung cấp hơn 200.000, chiếm 47% trong tổng số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh có nước sạch sử dụng.

Ông Lê Kỳ Hội, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang cho biết: Hiện nay, các trạm cấp nước tập trung của công ty hoạt động đạt khoảng 91% công suất thiết kế. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tuyến chưa có ống nước kéo đến, hộ dân vẫn còn phải sử dụng nước giếng khoan hay bồn chứa nước. Mục tiêu, nhiệm vụ của công ty là tập trung nguồn vốn để tiếp tục mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch để phục vụ cho khoảng 15.000 khách hàng còn lại ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn bởi địa bàn cấp nước là khu vực nông thôn dân cư thưa thớt, chi phí đầu tư cao, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nên rất khó giải quyết trong một sớm một chiều. Trong điều kiện nguồn tài chính có hạn, công ty chỉ có thể xem xét ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho những nơi bức xúc nhất về nước sạch.

Cùng với đó, công ty sẽ thực hiện tốt công tác vận hành, khai thác, nâng cao hiệu quả hoạt động các trạm cấp nước; chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Khi có nguồn vốn, công ty sẽ phối hợp địa phương triển khai các dự án đầu tư công trình cấp nước mới và nâng cấp, mở rộng phát triển tuyến ống cấp nước ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.