Phiên thảo luận tập trung vào các xu hướng chính, thay đổi pháp lý và ưu tiên chính sách đang định hình nền kinh tế số phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Tại sự kiện, TFGI cũng đã ra mắt ấn phẩm lần thứ hai của báo cáo “Sự phát triển của quản trị công nghệ tại sáu quốc gia Đông Nam Á”, nêu bật những thay đổi chính sách và cách tiếp cận quản trị nổi bật trong năm 2024 tại sáu quốc gia: Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia như ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Hồ Tú Bảo, Giám đốc khoa học, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo; ông Nguyễn Thanh Hưng, Cố vấn Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM); ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS); ông Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ, Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
![]() |
Bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình của TFGI phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu tại tọa đàm, bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình của TFGI nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, điều quan trọng không chỉ là nắm bắt cơ hội mà còn phải nhận diện các rủi ro tức thời và thách thức mới nổi đi kèm với tiến bộ công nghệ. Để tận dụng được tác động tích cực từ công nghệ, chúng ta cần cân bằng giữa việc thúc đẩy kinh tế số và bảo vệ xã hội số”.
Việt Nam đang đạt được những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số, với tốc độ tăng trưởng của kinh tế số đạt khoảng 20% mỗi năm kể từ 2022 - một trong những tốc độ nhanh nhất khu vực. Tính đến năm 2024, kinh tế số đóng góp 18,3% GDP quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu nằm trong top 30 nền kinh tế số hàng đầu thế giới, như được đặt ra trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực cũng là những ưu tiên chiến lược của quốc gia.
Số liệu từ hội thảo
Ông Keith Detros, Quản lý Chương trình của TFGI, đã chia sẻ góc nhìn khu vực về những diễn biến chính tại Đông Nam Á như các xu hướng chính sách mới nổi bao gồm tiến bộ trong quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu, và thúc đẩy niềm tin cũng như an toàn số, với nhiều cách tiếp cận khác nhau từ các chính phủ trong khu vực.
Bên cạnh đó, tập trung vào bối cảnh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo từ Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cũng chia sẻ các diễn biến chính tại Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến Nghị quyết số 57, nhằm thúc đẩy đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn về định hướng quản trị phù hợp “fit-for-purpose governance” trong năm 2025.
![]() |
Các chuyên gia tham dự tọa đàm. |
Các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại điện tử tại Việt Nam. Doanh số bán lẻ thương mại điện tử năm 2024 đạt 25 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 10 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn cầu. Dự thảo Luật Thương mại điện tử, dự kiến được trình Quốc hội vào năm 2025, hướng tới việc xây dựng một khung pháp lý hiện đại và tinh gọn để điều chỉnh toàn diện các hoạt động thương mại điện tử trên toàn quốc, bao gồm cả các sàn giao dịch trực tuyến và nền tảng số.
Thảo luận cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm các quy định mới không làm cản trở đà tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử, vốn là một trong những động lực then chốt của nền kinh tế số Việt Nam. Việc xây dựng chính sách với sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm các nền tảng, hiệp hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và người tiêu dùng, được xem là cách tiếp cận cần thiết.
Để có thể cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và quy định pháp lý, các sáng kiến đổi mới trong chính sách cần được xem xét. Việc áp dụng khung pháp lý thử nghiệm chính sách (sandbox) được đánh giá là một công cụ hữu ích để kiểm nghiệm và hoàn thiện quy định trong một môi trường số thay đổi nhanh chóng. Điều này càng có ý nghĩa khi Nghị định số 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế sandbox trong lĩnh vực ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Cuối cùng, việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử được nhấn mạnh là một biện pháp thực tiễn nhằm khuyến khích hành vi có trách nhiệm trong các lĩnh vực số mới nổi.
Trong những lĩnh vực mà khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện, các hiệp hội ngành nghề và tổ chức chuyên môn có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách phối hợp với chính phủ để xây dựng các bộ tiêu chuẩn và thực hành tốt mang tính tự nguyện. Những nỗ lực như vậy sẽ cung cấp hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy văn hóa hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh như thương mại điện tử và nền tảng kinh tế mới.