Cách đây 20 năm, ngày 25/11/2003, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, quận Hoàng Mai được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của chín xã thuộc huyện Thanh Trì (gồm: Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Trần Phú, Yên Sở, Thanh Trì, Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt) và năm phường thuộc quận Hai Bà Trưng (gồm: Tương Mai, Giáp Bát, Tân Mai, Mai Động, Hoàng Văn Thụ), với diện tích 41,04 km², trong đó có hơn 1.000 ha đất bãi sông Hồng, dân số là 187.332 người.
Những năm đầu khi mới thành lập, quận Hoàng Mai đối mặt rất nhiều khó khăn do hạ tầng yếu kém. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của cấp ủy, chính quyền, tiến hành các giải pháp linh hoạt, hiệu quả, quận đã đạt nhiều kết quả quan trọng. 20 năm qua, kinh tế của quận liên tục phát triển, duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt từ 10,06-16,5%, bảo đảm ổn định, bền vững.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai cho biết, những năm qua, quận luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư. Đến nay, 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh, hiện có hơn 19.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 45,6 lần so với năm 2004; số hộ kinh doanh cá thể là hơn 19.600 hộ, tăng gấp 18,5 lần so với năm 2004. Nhờ đó, thu ngân sách hằng năm trên địa bàn đều đạt và vượt so với kế hoạch giao, tạo nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển.
Tổng thu ngân sách 20 năm qua đạt 53.676 tỷ đồng, tăng thu hằng năm đạt 9%; trong đó, giai đoạn 2003-2013 đạt 9.865 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2014-2023 đạt 43.811 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với giai đoạn 10 năm đầu thành lập quận. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Trong 20 năm qua, quận đã “xóa” được 1.862 hộ nghèo và đến nay trên địa bàn quận không còn hộ nghèo; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân ước đạt 92,9%.
Cùng với đó, quận thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, tạo được những thay đổi cơ bản và rõ nét, diện mạo đô thị của quận ngày càng văn minh, hiện đại. Quận đã triển khai bốn dự án giao thông từ nguồn ngân sách thành phố với tổng kinh phí 1.442 tỷ đồng; năm dự án nhà tái định cư từ quỹ đầu tư phát triển thành phố với tổng kinh phí 1.151 tỷ đồng; 570 dự án từ nguồn ngân sách quận với tổng kinh phí 5.320 tỷ đồng và triển khai 121 dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Quý, ở phường Tân Mai chia sẻ: “Mặc dù còn khó khăn, nhưng không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực về mọi mặt của quận Hoàng Mai, nổi bật là phát triển hạ tầng giao thông, đô thị”. Điều này hoàn toàn chính xác khi thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn như:
Dự án đường vành đai 3-cầu Thanh Trì; dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2; dự án Công viên Yên Sở; đường 2,5 đoạn Đền Lừ-Trương Định-Giáp Bát; Trung tâm Văn hóa thể thao Linh Đàm, tuyến đường nối tiếp đường phía đông khu hành chính quận Hoàng Mai đến đường Tam Trinh... đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, giúp bộ mặt đô thị của quận khang trang, hiện đại hơn.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, toàn bộ địa giới quận Hoàng Mai nằm trong Đô thị trung tâm (Khu vực nội đô mở rộng) với nhiều đầu mối giao thông quan trọng (sông Hồng, Quốc lộ 1A, đường vành đai 2,5, vành đai 3, đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì…); nhiều tuyến đường sắt đô thị dự kiến chạy qua (tuyến số 1, số 3, số 4, số 8; tuyến Monorail M2) sẽ mở ra hướng phát triển đô thị Hoàng Mai ngày càng khang trang, hiện đại hơn.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, quận còn tập trung nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa-xã hội. Nhiều trường học các cấp được xây mới, nâng cấp; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Đến nay, quận có 59 trường công lập, 33 trường ngoài công lập, 372 nhóm trẻ tư thục, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 70%.
Những kết quả này có được từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ quận. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng có nhiều đổi mới tích cực, nổi bật là công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận.
Trong thời gian qua, quận không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Vai trò lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ và cấp ủy các cấp trên mọi lĩnh vực được khẳng định. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được đổi mới; tư tưởng nhân dân ổn định, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị. Đây chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàng Mai bước tiếp trên hành trình nhiều khó khăn, nhưng đầy quyết tâm, nỗ lực, khí thế và tự hào, trở thành vùng đô thị đẹp, hiện đại ở khu vực phía nam Thủ đô.