Làm đẹp không gian công cộng bằng bích họa

Trang trí không gian công cộng là một nhu cầu thiết yếu ở đô thị lớn. Hà Nội hiện có một số không gian công cộng được trang trí bằng tranh gốm, bích họa...

Họa sĩ vẽ những bức bích họa lớn lên vòm cầu trên phố Phùng Hưng.
Họa sĩ vẽ những bức bích họa lớn lên vòm cầu trên phố Phùng Hưng.

Mới đây, tại phố Phùng Hưng, lần đầu tiên, việc trang trí bích họa có sự tham gia của các cơ quan chức năng và nhiều họa sĩ trong và ngoài nước. Hoạt động này mở ra hướng mới trong tạo dựng các không gian văn hóa tại Thủ đô.

Những ngày cuối tháng 12, thời tiết ở Hà Nội rét đậm, thi thoảng có mưa phùn, nhưng các nghệ sĩ vẫn say mê với công việc bên vỉa hè cho dự án "Bích họa trên phố Phùng Hưng". Bộ mặt của "phố bích họa" đang dần hiện ra khiến nhiều người thích thú. Mặc dù mỗi bức vẽ thể hiện một đề tài khác nhau, nhưng chủ đề xuyên suốt của phố bích họa là tái hiện một Hà Nội xưa cũ. Đó là một ông đồ già bên "mực tàu giấy đỏ", đang viết chữ, gợi nhớ hình ảnh Tết đến, xuân sang. Đó là một gánh hàng hoa trên phố, gần gũi mà thân quen. Đó là căn nhà của Hà Nội "một thời lưu luyến", với mảng tường vàng, ô cửa sổ xanh xanh. Có bức lại mô tả một đoạn phố Hà Nội bình dị, nơi có những chiếc xích-lô; hay có bức gợi tiếng leng keng của tàu điện nay đã là quá khứ...

Dù chưa hoàn thiện, nhưng ngắm những bức bích họa trên phố Phùng Hưng, bất kỳ người Hà Nội nào cũng bồi hồi cảm xúc.

Ngay từ những ngày đầu khởi công, dự án "Bích họa trên phố Phùng Hưng" đã được các nhà nghiên cứu mỹ thuật, kiến trúc cũng như dư luận hết sức quan tâm, ủng hộ. Phố Phùng Hưng có những vòm cầu đá đường sắt được xây dựng từ thời Pháp. Trước đây, thành phố đã cho xây bịt lại, chỉ để lại đúng bốn vòm cầu làm lối đi lại. Phần vỉa hè tại đây được khai thác làm nơi đỗ xe, bán hàng quán của nhiều hộ kinh doanh. Thậm chí, có nhiều người đem rác ra đây đổ. Hà Nội thiếu không gian văn hóa công cộng. Những vòm cầu đá có tuổi đời hàng thế kỷ nhuốm màu thời gian được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá cao, nếu được khai thác thì sẽ biến thành không gian nghệ thuật. Sự phối hợp giữa Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat), Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm cho ra đời dự án "Bích họa trên phố Phùng Hưng" đã đáp ứng mong đợi của nhiều người.

Giai đoạn đầu của dự án thực hiện trang trí trên một đoạn phố Phùng Hưng, từ phố Hàng Cót đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh, dài khoảng 200 m. Tất cả có 18 bức họa, mỗi bức sẽ chiếm trọn không gian một vòm cầu. Trong số này, có bảy bức của các họa sĩ Hàn Quốc, 10 bức của các họa sĩ Việt Nam, một bức do nghệ sĩ hai nước cùng thực hiện. Các họa sĩ Hàn Quốc cũng gây ấn tượng mạnh với người xem bằng những bức vẽ truyền thông điệp về một Hà Nội cổ kính. Trong đó, đáng chú ý nhất là bức vẽ mở ra không gian hun hút của đường xe lửa trên cầu Long Biên, gây ấn tượng với mầu ố vàng của thời gian. Khi đến gần, người xem ngạc nhiên khi các họa sĩ Hàn Quốc đã ghép bức hình này hoàn toàn bằng dây điện. Họa sĩ phía Hàn Quốc đã mất rất nhiều thời gian chọn mầu, cắt, ghép để tạo nên bức hình ấn tượng mạnh như vậy.

Dự án từng có thời gian đình trệ do nhiều nguyên nhân. Đến thời điểm hiện tại, với mục đích làm đẹp cho thành phố, các nhà quản lý và một số họa sĩ đã tìm được sự đồng thuận, sửa một số chi tiết trên tranh cho phù hợp. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: "Dự kiến, phố bích họa Phùng Hưng sẽ được khánh thành trước Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày. Hiện, các họa sĩ đang thi công phần việc tiếp theo. Đây là một không gian nghệ thuật mở đầu tiên của thành phố, cho nên UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho UBND phường Cửa Đông xây dựng Quy chế quản lý cho khu vực này".

Với người dân Hà Nội, việc trang trí phố phường bằng nghệ thuật bích họa còn khá mới mẻ. Một số khu phố đã được trang trí bích họa một cách tự phát như ngõ 68 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) hay ngõ Ao Dài (phường Tôn Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm)...

Dù ít nhiều gây chú ý, nhưng chất lượng thẩm mỹ của những bức họa này còn là điều cần xem xét. Với dự án phố bích họa Phùng Hưng, lần đầu Hà Nội tổ chức làm đẹp bằng bích họa với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ có uy tín. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, đây không đơn thuần là làm đẹp, mà còn góp phần đưa nghệ thuật vào cuộc sống. Với việc khắc họa ký ức Hà Nội tại phố bích họa Phùng Hưng, theo ông, Hà Nội đã thể hiện tinh thần đón nhận cái mới, hiện đại trên cơ sở kế thừa truyền thống. Dự án cũng mở ra hướng mới trong tạo dựng cảnh quan đô thị.

Trong tương lai, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia để có thể đục thông các vòm cầu, kiến tạo những không gian văn hóa công cộng, phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô, cũng như kết nối với không gian Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ để thu hút khách du lịch.