Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40

NDO -

NDĐT - Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại lễ phát động Tháng hành động phòng, chống ung thư vú do Bộ Y tế, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cùng các đơn vị đồng hành tổ chức sáng 14-10 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát động chiến dịch “tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát động chiến dịch “tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40”.

Mở đầu cho tháng hành động là chiến dịch “tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40”. Trong chiến dịch này, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng phối hợp các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh triển khai khám sàng lọc miễn phí (khám lâm sàng, siêu âm và chụp nhũ ảnh cho những trường hợp nghi ngờ ác tính), phát hiện sớm ung thư vú cho khoảng 10 nghìn phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện, khám sàng lọc tại một số bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh ung thư vú tại Việt Nam.

Những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có thể đăng ký khám tại trang web www.tamsoatungthuvu.vn hoặc gọi đến số điện thoại 088.664.9599 hoặc 088.684.9599 vào giờ hành chính, từ thứ 2 đến thứ 6.

PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết: ung thư vú là căn bệnh ung thư rất thường gặp trên thế giới. Điều trị ung thư vú hiện đã có bước tiến lớn về phương pháp điều trị như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, sinh học (điều trị nhắm trúng đích) đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị bệnh. Tuy nhiên yếu tố then chốt vẫn là việc điều trị khi ung thư ở giai đoạn sớm.

Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ 40 trở lên) là rất quan trọng. Sự tầm soát và phát hiện sớm không những có ý nghĩa cho chính người bệnh mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội.

Tại Việt Nam, ung thư vú là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Nếu như năm 2010 có khoảng 12.500 trường hợp mắc ung thư vú được phát hiện thì dự báo sẽ tăng lên tới 22.000 trường hợp vào năm 2020.

Các chuyên gia lĩnh vực này đều cho rằng, đối phó với tình trạng bệnh nhân ung thư vú gia tăng, tốt nhất là tăng cường tầm soát phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.

PGS,TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết: Việc tầm soát và phát hiện ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú đạt tới hơn 80%; ở giai đoạn hai, tỷ lệ này giảm xuống 60%; ở giai đoạn ba, khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn bốn thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.

Được biết sau hơn năm năm đi vào hoạt động, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã vận động, hỗ trợ điều trị và tặng quà cho hơn 16 nghìn người bệnh ung thư nghèo trên cả nước; khám sáng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho hơn 43 nghìn người; thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên năm câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú tại năm thành phố lớn… cũng như tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống căn bệnh ung thư.