Gần đúng 75 năm trước, vào ngày 17 tháng 5 năm 1950, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đánh dấu sự khởi đầu của một quan hệ đối tác lâu dài nhằm cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam.

Trong vài tuần tới, các đại biểu Quốc hội sẽ có cơ hội quan trọng để xem xét dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Đây là quyết định vô cùng quan trọng, có khả năng cứu sống và bảo vệ sức khỏe con người trong nhiều thập kỷ tới. Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững và cao hơn, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào nguồn vốn con người để xây dựng một xã hội khỏe mạnh hơn và có tuổi thọ cao hơn.

Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Việt Nam không miễn nhiễm với sự gia tăng toàn cầu của các bệnh không lây nhiễm (NCD) chủ yếu là do các yếu tố nguy cơ về hành vi hoặc lối sống như hút thuốc lá và uống rượu bia.

Một khẩu hiệu Ngày Thế giới không thuốc lá của WHO. Tăng thuế thuốc lá, giảm bệnh tật và tử vong

Một khẩu hiệu Ngày Thế giới không thuốc lá của WHO. Tăng thuế thuốc lá, giảm bệnh tật và tử vong

Để ứng phó với những thách thức về sức khỏe hiện nay, trong bài phát biểu của mình trước cán bộ, nhân viên y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27/2, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị trước tiên tập trung vào phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

WHO coi cuộc thảo luận sắp tới về thuế thuốc lá là cơ hội lịch sử để cụ thể hóa đề nghị này. Tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa bệnh tật, cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, đặc biệt trong các cộng đồng yếu thế và người dân nói chung; đồng thời biện pháp này cũng tốt cho nền kinh tế.

Cần chú trọng, ưu tiên những lợi ích kinh tế lâu dài và sức khỏe cộng đồng từ cải cách chính sách thuế thuốc lá hơn là những băn khoăn ngắn hạn, đặc biệt là những lo ngại do các nhóm vận động hành lang của ngành thuốc lá đưa ra. Nếu không, gánh nặng các bệnh không lây nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng và sẽ cản trở triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Hút thuốc lá đe dọa sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam

Chúng ta hãy cùng xem xét bằng chứng.

Thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, gây ra tử vong sớm cho một nửa số người hút mà không bỏ. Trên toàn thế giới, mỗi năm thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong cho con người.

Tại Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người mỗi năm. Hút thuốc không những gây hại cho chính người hút thuốc mà còn gây hại cho những người tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Với hơn 15 triệu người hiện hút thuốc thì hút thuốc lá đang làm gia tăng khủng hoảng bệnh tật và tử vong sớm. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới đã giảm nhẹ từ 47,4% năm 2010 xuống còn 41,1% năm 2021. Tuy nhiên, với đà giảm chậm này, Việt Nam sẽ không thể đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, đó là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Đáng báo động là có những dấu hiệu cho thấy tiêu thụ thuốc lá đã tăng trở lại, khi báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy tổng sản lượng thuốc lá đã tăng 17% từ năm 2021 đến năm 2023. Điều này đe dọa tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên quan đến sức khỏe của Việt Nam.

Ngoài tác động tàn phá đối với sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn làm gia tăng tình trạng nghèo đói và cản trở lâu dài cho sự phát triển kinh tế và công bằng trong y tế. Tỷ lệ hút thuốc cao làm suy yếu lực lượng lao động, dẫn đến mất khả năng tham gia các hoạt động kinh tế và làm giảm năng suất lao động, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất công bằng giữa các nhóm nghèo nhất và thiệt thòi nhất với phần còn lại của dân số.

Chi phí kinh tế do hút thuốc lá ước tính là 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 1,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do mất năng suất lao động và chi phí cho khám chữa bệnh. Điều này đe dọa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.

Tăng thuế để tăng giá và hạn chế hút thuốc lá

Một trong những thách thức lớn nhất để hạn chế hút thuốc lá là giá thuốc lá ở Việt Nam quá rẻ - thuộc loại thấp nhất trong khu vực và thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng. Và xu hướng cho thấy thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua do thu nhập của người dân tăng nhanh trong khi đó giá thuốc lá thì hầu như không tăng.

WHO khuyến cáo thuế thuốc lá phải chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ. Tuy nhiên, Việt Nam có mức thuế thuốc lá rất thấp, chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ của một bao thuốc lá năm 2022. Mức này nằm trong mức thấp nhất của khu vực.

Tăng thuế thuốc lá để tăng giá thuốc lá là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất về mặt chi phí để giảm tiêu thụ thuốc lá. Khi giá thuốc lá tăng sẽ khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc và ngăn cản những người trẻ bắt đầu hút thuốc. Thuế thuốc lá có thể bảo vệ cả thế hệ người lao động hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Tiến sĩ Angela Pratt giới thiệu cuốn Tư vấn chính sách của WHO về Thuế thuốc lá tại Việt Nam nhằm nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững tại hội thảo về thuế thuốc lá do Đài truyền hình Quốc hội tổ chức.

Tiến sĩ Angela Pratt giới thiệu cuốn Tư vấn chính sách của WHO về Thuế thuốc lá tại Việt Nam nhằm nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững tại hội thảo về thuế thuốc lá do Đài truyền hình Quốc hội tổ chức.

WHO hoan nghênh Bộ Tài chính và Chính phủ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi - một bước đi đúng hướng. Rõ ràng Chính phủ đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải giải quyết tình trạng sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm hút thuốc lá và mang lại tác động tích cực lớn nhất tới sức khỏe và nền kinh tế, thì mức thuế đề xuất thậm chí cần phải cao hơn nữa.

Dựa trên mô hình của chúng tôi, WHO khuyến nghị là ngoài mức thuế tỷ lệ hiện tại 75% giá xuất xưởng, cần áp thuế tuyệt đối theo lộ trình để đạt mức 15.000 đồng một bao thuốc vào năm 2030. Nếu những thay đổi này được thực hiện ngay thì sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia. Đồng thời, theo phương án này số người hút thuốc sẽ giảm được 3,2 triệu người vào năm 2030 so với phương án nền với hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện tại.

Điểm quan trọng nữa là thay đổi ở mức thuế suất này sẽ làm tăng mạnh nguồn thu thuế hàng năm, tăng thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020. Các khoản thu này có thể được đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ công như y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, và cuối cùng sẽ thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế. Tương tự như vậy, khi giảm gánh nặng sử dụng thuốc lá đối với hệ thống y tế của Việt Nam thì sẽ giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy hơn nữa việc chăm sóc chất lượng cao và nâng cao sức khỏe dân số.

Để lại di sản không khói thuốc

Tóm lại, quan điểm mạnh mẽ của WHO là hệ thống thuế thuốc lá hiện tại của Việt Nam không phù hợp với các giá trị sâu sắc nhất của đất nước, cũng không vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng hay nền kinh tế. Con đường tăng trưởng kinh tế cao hơn ở Việt Nam phụ thuộc vào việc thúc đẩy nguồn vốn con người thông qua lực lượng lao động khỏe mạnh hơn và có trình độ học vấn cao hơn. Việc sử dụng thuốc lá sẽ chỉ gây hại cho nguồn vốn con người và triển vọng phát triển bền vững.

Chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ đề xuất cải cách thuế thuốc lá với mức thuế cao nhất khi họ có cơ hội lịch sử này chỉ trong vài tuần tới. Đầu tư vào phòng chống tác hại thuốc lá ngay bây giờ sẽ có tác động lâu dài đến tăng trưởng bền vững bằng cách bảo vệ thanh niên ngày nay và lực lượng lao động tương lai. Cải cách thuế sẽ đạt được mục tiêu 'cùng thắng' đó là là giảm tiêu thụ thuốc lá và do đó giảm những tác hại mà nó gây ra đối với sức khỏe con người, cũng như tạo thêm nguồn thu thuế để đầu tư vào các ưu tiên chính của chính phủ.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, "Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội".

WHO hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ tận dụng kỳ họp sắp tới để chung tay cùng nhân dân Việt Nam xây dựng một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn cho 75 năm tới và xa hơn nữa.

Thuốc lá đang gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn, gấp 5 lần so với đóng góp ngân sách từ thuế thuốc lá.

Thuốc lá đang gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn, gấp 5 lần so với đóng góp ngân sách từ thuế thuốc lá.

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tiến sĩ Angela Pratt đạp xe để kỷ niệm sự kiện Ngày Thế giới không thuốc lá và ủng hộ việc tăng thuế.

Tiến sĩ Angela Pratt đạp xe để kỷ niệm sự kiện Ngày Thế giới không thuốc lá và ủng hộ việc tăng thuế.

Tổ chức thực hiện: Ngọc Thanh
Nội dung:
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam
Thực hiện: Thiên Lam - Phi Nguyên
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN