Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết tăng thuế thuốc lá sẽ giúp đạt mục tiêu kép về giảm tỷ lệ sử dụng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% đến 5%. Đặc biệt, có thể giảm tới 10% hoặc hơn ở trẻ em và người nghèo.
Ngân hàng thế giới ước tính, khi thuế thuốc lá tăng 10%, thu ngân sách từ thuế thuốc lá có thể tăng 7%.
Việt Nam hiện nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Các số liệu thống kê cho thấy năm 2021, tỷ lệ hút thuốc trong dân số là 20,8%, trong đó tỉ lệ hút thuốc trong nam giới là trên 41%. Phần lớn số người hút thuốc ở Việt Nam trong nhóm tuổi từ 15 đến 55 tuổi là lực lượng lao động chính trong xã hội.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do là bệnh không lây nhiễm. Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 69 chất gây ung thư. Phụ nữ và trẻ em khi sử dụng hay tiếp xúc thụ động với khói thuốc có thể có các nguy cơ như: sảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ em sinh ra có thể bị nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ. Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động sẽ dễ mắc viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn. Sử dụng thuốc lá có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bộ não của trẻ vị thành niên.
Với hơn 15 triệu người Việt hút thuốc hiện nay, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể và ngày càng tăng. Ước tính mỗi năm có hơn 100 nghìn ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP.
Đáng chú ý, theo Tổ chức Y tế thế giới, thuế thuốc lá không chỉ là biện pháp nhanh nhất, mà còn tiết kiệm nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Việt Nam hiện đang áp dụng mức thuế suất 75% trên giá bán của cơ sở sản xuất (giá xuất xưởng) đối thuốc lá sản xuất trong nước. Khi tính theo chuẩn quốc tế (tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ), thuế thuốc lá của Việt Nam (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 36% giá bán lẻ tại thời điểm năm 2022. Như vậy, mức thuế này còn cách xa khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ.
So với các nước trong khu vực ASEAN thì Việt Nam cũng ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá thấp hơn nhiều quốc gia như: Thái Lan là 78,6%, Phillipines là 71,3% và Singapore là 67,5%. Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc hàng rẻ nhất Đông Nam Á. Hiện trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
Bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy, tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá. Như tại Philippines, sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 27% (năm 2009) xuống còn 19,5% (năm 2021), trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD (năm 2012) lên 2,9 tỷ USD (năm 2022). Ở Thái Lan, từ 1993-2017, tăng thuế thuốc lá 11 lần dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ hút từ 32% xuống 19,1%, thu ngân sách tăng hơn 4 lần (500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD).
Trong bối cảnh nước ta đang cần thêm nguồn lực để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, thì việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép: vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, tăng thuế thuốc lá cũng góp phần bảo vệ những nhóm người yếu thế trong xã hội như trẻ em và người nghèo là những nhóm nhạy cảm với giá-dễ bỏ thuốc khi giá tăng. Khi bỏ thuốc, họ tiết kiệm được chi phí, giảm nguy cơ bệnh tật và có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho con cái.
Căn cứ vào thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng xem xét tăng mạnh, tăng ngay và tăng thường xuyên thuế thuốc lá theo hướng Bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ. Việc tăng thuế thuốc lá là một quyết định dũng cảm, nhưng cần thiết. Đó không chỉ là bài toán về tài khóa, mà còn là trách nhiệm của chúng ta trước sức khỏe nhân dân và tương lai đất nước.