Cần những góc nhìn khách quan, đa chiều
Sự việc một bệnh nhi bị tai nạn giao thông không được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định khiến nhiều người bức xúc. Có hay không việc phải đóng đủ tiền mới được chữa trị?
Điều này cần chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, nhưng các nhân viên y tế của ca trực nêu trên đã bị đình chỉ công tác. Trong khi đó, vẫn là Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, mới đây, một ca trực khác đã xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung các bác sĩ trực cấp cứu.
Và chỉ mới cách đây hơn một tuần, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã tuyên dương các y, bác sĩ, điều dưỡng khi họ vẫn cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân mặc dù bị người nhà bệnh nhân hành hung.
Những sự việc tương tự như trên đã từng xảy ra với ngành y tế, nhất là ở Khoa Cấp cứu. Đã từng có các trường hợp nhân viên y tế tắc trách, một số y bác sĩ chưa thật sự làm tròn trách nhiệm khiến người nhà bệnh nhân bức xúc, không giữ được bình tĩnh và từ đó xảy ra va chạm. Tuy nhiên, cũng có những sự việc gia đình bệnh nhân chưa nắm rõ vấn đề, hành hung y bác sĩ vô cớ khiến họ tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần.
Theo các chuyên gia y tế, mỗi chuyên khoa, chuyên ngành đều có đặc thù riêng về công tác khám, chữa bệnh, nhưng đối với khoa cấp cứu thì đòi hỏi nhân viên y tế phải kịp phản ứng nhanh với mọi tình huống.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, nhân viên y tế làm nhiệm vụ cấp cứu buộc phải giữ cho mình cái đầu lạnh, bình tĩnh xử lý.
Với cấp cứu, không có bệnh nhân đến trước, bệnh nhân đến sau, cũng không có bất kỳ sự ưu tiên nào cả, mà tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ ưu tiên cứu chữa cho người nặng hơn, nguy kịch hơn. Nhiều khi người nhà bệnh nhân không hiểu, cho rằng người thân của họ đến trước, cần phải được xử lý trước nhưng nhân viên y tế không làm theo, từ đó có những hành động chưa chuẩn mực…
![]() |
Nhân viên y tế khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị tiến hành khám, chữa cho bệnh nhân. |
Điều dưỡng Mai Xuân Thành, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ, mỗi giây, mỗi phút ở Khoa Cấp cứu đều hết sức quan trọng. Sẽ có những lúc nhân viên y tế không có nhiều thời gian để giải thích cho người nhà bởi họ cần tập trung cao độ để cứu chữa cho bệnh nhân, đôi khi chậm một phút thôi cũng sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, chính vì việc không giải thích rõ ràng với người nhà sẽ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Từ đó, khó tránh việc người nhà bức xúc, thậm chí ẩu đả với nhân viên y tế.
Văn hóa ứng xử ở nơi công cộng, nhất là ở môi trường bệnh viện của một bộ phận những người liên quan cần phải được chấn chỉnh, cả từ phía người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.
Thái độ vô cảm của một bộ phận y, bác sĩ là điều cấm kỵ trong ngành y tế, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và Lời thề Hippocrates. Đây có thể là nguồn cơn cho những hành động đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc người nhà bệnh nhân mất kiểm soát, ẩu đả, hành hung nhân viên y tế cũng không thể chấp nhận. Hành vi đó là vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm minh.
![]() |
Bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị tiến hành khám, chữa cho bệnh nhân. |
Chấn chỉnh từ hai phía
Để nhận được sự đồng cảm từ người dân, trước tiên, những người làm công tác chuyên môn mà cụ thể là nhân viên y tế cần phải chấn chỉnh thái độ làm việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong khám, chữa bệnh.
Ngoài việc tránh xảy ra sai sót trong chuyên môn, họ cần có thái độ ứng xử hòa nhã, lịch thiệp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Sự nhanh nhẹn, linh hoạt, kịp thời ứng phó với những tình huống bất trắc cũng sẽ giúp ngăn chặn được những hành vi bạo lực có nguy cơ xảy ra.
Ở những bệnh viện lớn thường rất đông bệnh nhân, sẽ có lúc quá tải, khó tránh khỏi áp lực công việc đè nặng lên nhân viên y tế. Tuy nhiên, đã chọn ngành y thì nhân viên y tế cũng cần ý thức rõ sứ mệnh của mình. Mọi hành động vi phạm đạo đức nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng cả hình ảnh chung của những người làm công tác y tế, đánh mất lòng tin của người dân.
Về phía người nhà bệnh nhân, hành hung, ẩu đả, gây thương tích hay có lời lẽ không hay, xúc phạm nhân viên y tế đều phải bị lên án bởi đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Những người đang cứu chữa cho người thân của mình thì không thể bị đối xử như vậy. Ở nơi công cộng, trong mọi tình huống, cần phải bình tĩnh, ứng xử văn minh, có văn hóa, và tuân thủ luật pháp.
Trên thực tế, công tác an ninh tại nhiều bệnh viện còn lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các bệnh viện đều có đội ngũ nhân viên bảo vệ nhưng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, trông xe, còn vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh vẫn chưa được chú trọng, hoặc kỹ năng phòng vệ chưa tốt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, ở nhiều bệnh viện, kỹ năng của nhân viên bảo vệ và nhân viên y tế còn chưa tốt. Nhiều người nóng tính quá, chưa kiểm soát được hành vi; một số nơi, nhân viên bảo vệ và nhân viên y tế lại yếu về kỹ năng phòng vệ và bảo vệ cho người khác khi có xung đột xảy ra.
Ngoài ra, vấn đề an ninh tại các bệnh viện còn bao gồm kiểm soát, phòng chống trộm cắp, lừa đảo; giữ an toàn cho công tác khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế cần chú trọng triển khai các giải pháp đồng bộ, thí dụ như các phương pháp đã và đang được áp dụng: lắp đặt thiết bị camera giám sát an ninh; sử dụng thẻ từ kiểm soát ra vào; tăng cường nhân viên bảo vệ ứng trực; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an sở tại; dán thông báo, phát loa nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế...
Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mục tiêu sắp tới là giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh, muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ.
Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu.
Thứ hai, cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống.
Thứ ba, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề xuất các giám đốc bệnh viện cần tăng cường hành lang bảo vệ tại khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Đây là nơi thường xuyên xảy ra tình huống căng thẳng.
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, hoặc trong phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng, ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ nhân viên y tế.
Về chế tài xử phạt, hiện không ít người cho rằng các chế tài còn quá nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe. Tùy vào mức độ phạm lỗi của nhân viên y tế, không chỉ nên dừng lại ở các hình thức đình chỉ công tác hay chuyển công tác, mà thậm chí có thể cho ra khỏi ngành nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Người hành hung nhân viên y tế cũng không thể chỉ xử phạt hành chính mà cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm và phải được xử lý nghiêm minh, đúng mực.