Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với an sinh xã hội

Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều mô hình tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha tham quan mô hình trồng sầu riêng dưới tán cây điều tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).
Đoàn cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha tham quan mô hình trồng sầu riêng dưới tán cây điều tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).

Các chính sách bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống người dân gắn bó với rừng.

Từ giao khoán rừng đến phát triển kinh tế hộ

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có gần 2.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Giai đoạn 2021- 2025, Ninh Thuận tập trung giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ cộng đồng, hộ dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, công tác bảo vệ môi trường sinh thái gắn với sinh kế của người dân sống gần rừng từng bước được nâng lên, giảm áp lực lên tài nguyên rừng.

Các Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang - Thuận Nam, rừng phòng hộ Krông Pha (huyện Ninh Sơn) và Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải) đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát diện tích rừng có tiềm năng sản xuất, đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống nước tự chảy, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân chăn nuôi, trồng trọt dưới tán rừng. Hàng nghìn hộ dân sinh sống ven rừng đã đăng ký nhận khoán, tích cực sản xuất dưới tán rừng, tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống.

Từ năm 2021 đến nay, Ninh Thuận đã giao khoán bảo vệ rừng cho hàng nghìn hộ dân, mỗi hộ nhận khoán trung bình 25-30 ha/năm, thu về từ 10-12 triệu đồng tiền công/năm. Mô hình vừa góp phần gìn giữ rừng, vừa tạo sinh kế bền vững, được người dân đồng tình hưởng ứng.

Ông Nguyễn Văn Nay là chủ vườn sầu riêng rộng 9 sào trồng xen dưới tán tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn chia sẻ: “Năm 2020, sau khi nhận khoán bảo vệ rừng và được cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha tư vấn mô hình trồng sầu riêng, tôi mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng mua giống, lắp hệ thống nước tưới tự chảy từ trên núi. Sau 5 năm, vườn sầu riêng phát triển xanh tốt, cây đang vào vụ thu hoạch thứ hai, dự kiến cho doanh thu cao”. Không chỉ sản xuất giỏi, ông Nay còn tham gia Tổ cộng đồng bảo vệ rừng có 25 thành viên, đều là các hộ nhận khoán, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi dưới tán rừng. Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha Nguyễn Văn Quang cho biết, xã Lâm Sơn có 4 Tổ cộng đồng bảo vệ rừng với 100 thành viên, nay, đời sống các hộ trong tổ từng bước được nâng lên, số hộ khá, giàu ngày càng tăng.

Tại vùng đồi núi Lâm Sơn, hằng năm vào mùa thu hoạch cây ăn quả, hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan các vườn trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh… Du khách được trực tiếp hái quả chín và thưởng thức tại chỗ. Nhiều hộ đã phát triển dịch vụ du lịch sinh thái vườn, đem lại doanh thu 400-500 triệu đồng/ năm, trở thành mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế hộ từ rừng.

Cần có chính sách tốt để bảo vệ rừng

Không chỉ dừng lại ở trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi dưới tán rừng đang phát huy hiệu quả. Từ năm 2016, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang - Thuận Nam duy trì mô hình hỗ trợ hộ dân nhận khoán được nuôi bò cái giống. Hằng năm, các tổ cộng đồng bảo vệ rừng sử dụng 60% tiền công khoán để tổ chức bốc thăm chọn hộ nhận hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò giống địa phương. Nhiều hộ nhờ mô hình này đã vươn lên thoát nghèo...

Cùng với đó, các tổ cộng đồng và hộ dân nhận khoán còn tích cực tham gia trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; chăm sóc, tái sinh những cánh rừng suy thoái, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác giao khoán, bảo vệ và phát triển rừng tại Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Hồ Sỹ Trung, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, kinh phí phân bổ cho các chương trình lâm nghiệp còn chậm, kế hoạch giao khoán thiếu ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều hộ dân có nhu cầu tham gia nhưng chỉ tiêu ít, khiến hiệu quả lan tỏa chưa cao. Ngoài ra, suất đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng còn thấp so với mặt bằng giá cả vật tư, phân bón, nhân công… khiến các đơn vị gặp khó trong việc thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng trồng. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha đề xuất: Cần có chính sách đặc thù cho lực lượng bảo vệ rừng, tăng chế độ đãi ngộ và hỗ trợ thiết thực để người dân và cán bộ yên tâm gắn bó với rừng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp với đặc thù địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế đặc thù cho lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tỉnh đề xuất sớm ban hành quy định cụ thể về tín chỉ các-bon, trong đó làm rõ cơ chế tài chính, nội dung chi, đối tượng thụ hưởng để tạo thêm nguồn thu từ rừng, giảm áp lực ngân sách, tăng tính bền vững trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.