Nhiều năm qua, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, phát triển giáo dục... Điển hình trong đó có những cá nhân, đội, nhóm gây dựng các phong trào tốt, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa trong cộng đồng.
“Áo blouse vào bếp”
Giữa bao bộn bề, lo toan của cuộc sống hiện đại, vẫn có những ngọn lửa âm thầm cháy để sưởi ấm những phận đời khó khăn, lan tỏa tình yêu thương và khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng. Một trong những ngọn lửa ấm áp, bền bỉ ấy chính là “Bếp ăn nhân ái” tại Trung tâm Y tế huyện biên giới Bù Đốp. Bếp ăn ra đời vào tháng 7/2019, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo đang điều trị và người thân tới chăm nuôi. Mỗi ngày, hàng chục, thậm chí hàng trăm suất cơm nóng hổi, đủ dinh dưỡng được phát miễn phí, góp phần giúp người bệnh tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Dù hoạt động chủ yếu dựa vào đóng góp tự nguyện, các bếp cơm từ thiện vẫn cố gắng duy trì đều đặn, bảo đảm vệ sinh và chất lượng. Những hình ảnh giản dị nhưng đầy yêu thương ấy đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh các cán bộ ngành y tế.
Chị Lê Thị Thanh Tâm (Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp), thành viên “Bếp ăn nhân ái” chia sẻ: “Bếp ăn ra đời khi đại dịch Covid-19 xuất hiện với sáu thành viên là những cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp. Khi mới bắt đầu, bếp ăn gặp rất nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà các thành viên thiếu niềm tin, tinh thần thiện nguyện và trái tim nhiệt huyết. Với quyết tâm “làm trước rồi sẽ có người đồng hành sau”, bếp ăn này từng bước hoạt động ổn định.
Hình ảnh được chia sẻ về một bếp ăn nhỏ nhưng mang giá trị nhân văn sâu sắc đã lan tỏa, thu hút sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện Bù Đốp. Mỗi người góp một chút công, một phần sức, một phần quà…, tất cả cùng chung tay cho một mục tiêu giản dị mà cao đẹp, là chia sẻ yêu thương, tiếp thêm nghị lực cho bệnh nhân nghèo. Đều đặn vào các ngày thứ ba và thứ năm hằng tuần, thành viên bếp ăn là các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế… tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca trực hoặc dậy từ sáng sớm để chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, nấu nướng. Tính đến nay, bếp ăn đã phục vụ hơn 21.600 suất cơm miễn phí, với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Đó là lời động viên thầm lặng nhưng đáng quý, sự đồng hành thiết thực cùng người bệnh trong hành trình chống chọi với bệnh tật.
Đồng chí Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng ban Tuyên Giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước chia sẻ: “Bếp ăn nhân ái không chỉ là một mô hình thiện nguyện, mà còn là hiện thân sinh động của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp đã thực hiện lời dạy của Bác bằng những hành động cụ thể, bền bỉ, âm thầm nhưng đầy cảm động, lấy người bệnh làm trung tâm. Mô hình này đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp, ngành và hơn hết là sự yêu mến, tin tưởng, cảm phục của người dân. Đó là phần thưởng quý giá tiếp thêm động lực để những người thực hiện tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình...”.
Tận tụy, hết mình vì công việc chung
Tại ấp An Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản có một nữ bí thư chi bộ luôn nỗ lực và phấn đấu hết mình để học và làm theo Bác từ những hành động bình dị, thiết thực mỗi ngày, như: sống chân thành, làm việc tận tụy, giản dị và gần gũi với mọi người. Đó là đồng chí Trần Thị Tuyết, Bí thư Chi bộ ấp An Sơn. Đồng chí Trần Thị Tuyết bộc bạch: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên mà còn là phương châm hành động, là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, hoàn thiện bản thân. Càng học Bác, tôi càng thấm thía lòng yêu nước, trách nhiệm, tận tụy, giản dị, đức khiêm tốn và gần dân của Người”.
Với vai trò là Bí thư Chi bộ, từ năm 2016 đến nay, đồng chí Tuyết luôn nỗ lực để trở thành trung tâm đoàn kết, thường xuyên tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu thực hiện và hoàn hành tốt nhiệm vụ được giao, vận động nhân dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đến cuối năm 2023, ấp An Sơn không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm, số hộ khá, giàu tăng nhanh qua từng năm. Trong xây dựng nông thôn mới, Chi bộ ấp An Sơn đã phát huy vai trò của nhân dân, vận động người dân đóng góp trên 3 tỷ đồng để làm đường bê-tông, xi-măng, xây dựng nhà văn hóa, lắp đèn chiếu sáng, làm cổng chào. Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng để nâng cấp tuyến đường liên ấp dài trên 3 km, nhân dân đã tự nguyện hiến đất và tài sản, tiết kiệm được khoảng 900 triệu đồng kinh phí giải tỏa.