Nỗ lực nâng tỷ trọng kinh tế số

Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế số là ba yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại công nghệ 4.0. Sự kết hợp giữa ba yếu tố này đặt ra yêu cầu cấp thiết về tư duy đổi mới, hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm điều hành thông minh thị xã Chơn Thành.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm điều hành thông minh thị xã Chơn Thành.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số phải được thực hiện trong từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện, với ba trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Doanh nghiệp và người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh Bình Phước chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện ba nhóm mục tiêu: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số và ba nhóm nhiệm vụ: nhóm nhiệm vụ trọng tâm; nhóm chín lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; nhóm năm mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết: “Nhờ triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp và thứ tự các nhóm việc ưu tiên, đến nay tỉnh Bình Phước bước đầu đạt được những kết quả khả quan. 100% dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử trong tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh triển khai hợp nhất cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để triển khai cho các cấp đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cổng dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống dịch vụ công của tỉnh đã cho phép công dân, doanh nghiệp cập nhật tất cả các tài liệu điện tử, thành phần hồ sơ, kết quả điện tử được lưu trữ, để phục vụ việc nộp hồ sơ trực tuyến. Bình Phước đạt được bước tiến đáng kể trong việc cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương: Năm 2024, tăng 7 bậc, xếp hạng 27/64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để tiếp tục nâng cao chỉ số này, tỉnh Bình Phước tập trung vào thu hút đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh đã hoàn thành phủ sóng 3G/4G và bắt đầu triển khai mạng 5G tại các đô thị, khu công nghiệp và vùng biên giới. Trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh đã được thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả. Đến nay, tỉnh đã cung cấp 1.044 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 310 dịch vụ công trực tuyến một phần, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số minh bạch, hiện đại. Trong lĩnh vực kinh tế số, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ năm mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp và hợp tác xã. Khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành hàng chủ lực như: điều, hồ tiêu và cao-su. Tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, với hơn 1,1 triệu giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, chỉ số về kinh tế số của Bình Phước vẫn chưa cao như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là xuất phát điểm thấp; công tác đổi mới sáng tạo còn trong giai đoạn khởi đầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn mỏng; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn đối mặt nhiều thách thức…

Thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước đã ban hành Chương trình hành động để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tỉnh Bình Phước xem đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là giải pháp đột phá quan trọng của tỉnh, ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, phát triển xanh; tạo động lực quan trọng để đổi mới phương thức quản trị của tỉnh, tạo không gian phát triển mới về kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, Bình Phước đề ra mục tiêu đến năm 2030: tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được nâng lên mức khá so với các tỉnh/thành phố trong vùng; năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức khá của quốc gia. Trong các mục tiêu thành phần, tỉnh Bình Phước phấn đấu: chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số thuộc nhóm năm tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương thuộc nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế đạt từ 45% trở lên; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP…

Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh Bình Phước đề ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm, như: phát động phong trào “học tập số” trong cán bộ, công chức và nhân dân; quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan; bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bình Phước chú trọng rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút đầu tư. Mặt khác, tỉnh tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.