Những ngôi nhà nhân ái

Chiến dịch xóa hơn 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát đang được tỉnh Phú Yên đồng loạt triển khai. Nhiều địa phương tăng mức hỗ trợ, phấn đấu hoàn thành trước kế hoạch đề ra của tỉnh vào ngày 2/9. Qua đó, nhiều gia đình hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được an cư trong căn nhà mới khang trang. 
0:00 / 0:00
0:00
Căn nhà của gia đình chị Châu Thị Thân, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên được xây dựng từ chương trình hỗ trợ của tỉnh.
Căn nhà của gia đình chị Châu Thị Thân, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên được xây dựng từ chương trình hỗ trợ của tỉnh.

NHIỀU CÁCH LÀM SÁNG TẠO

Huyện miền núi Đồng Xuân có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất tỉnh Phú Yên với 560 căn. Khó khăn lớn nhất là phần lớn các gia đình được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hạn chế nguồn vốn đối ứng. Huyện đã kêu gọi sự chung tay của các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và người dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Quốc Huy, ngay từ những tháng đầu năm, địa phương đã phát động phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và có hàng chục tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp. Nhờ vậy đến nay huyện đã tổ chức khởi công xây dựng 518 nhà, thời gian tới sẽ triển khai số còn lại và quyết tâm hoàn thành toàn bộ 560 nhà trước ngày 2/9 tới.

Huyện miền núi Sơn Hòa có 477 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện đã kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng, trong đó phải kể đến Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, đơn vị chuyên ngành mía đường, 100% vốn Ấn Độ đã tích cực hỗ trợ. Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc công ty cho biết, công ty đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng xây dựng 25 căn nhà cho người dân. Đầu năm nay, công ty đã đóng góp 250 triệu đồng về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, hằng năm, thông qua các tổ chức chính trị xã hội, công ty còn hỗ trợ năm hộ gia đình xây dựng, sửa chữa nhà với số tiền 50 triệu đồng/trường hợp.

Là địa phương đồng bằng ven biển, huyện Tuy An có 519 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện còn tuyên truyền, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đóng góp kinh phí, ngày công giúp đỡ người dân. Huyện đã đồng loạt khởi công xây dựng nhiều ngôi nhà mới cho các hộ dân và phấn đấu hoàn thành chương trình trước ngày 30/8 tới. Đã có 50 căn nhà được hoàn thành với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Anh Đoàn Thanh Tâm, Bí thư Xã đoàn An Mỹ, huyện Tuy An cho biết, nhiều đoàn viên, thanh niên đã tình nguyện đến hỗ trợ các gia đình tháo dỡ nhà tạm bợ, làm mặt bằng và các hạng mục khác.

NHIỀU NGÔI NHÀ MƠ ƯỚC DẦN MỌC LÊN

Là trung tâm kinh tế của tỉnh Phú Yên, thành phố Tuy Hòa có 28 nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành chương trình này trước ngày 30/6. Ngoài khoản kinh phí hỗ trợ theo mức quy định chung của tỉnh là 60 triệu đồng đối với nhà xây mới và 30 triệu đồng đối với nhà sửa chữa, thành phố còn hỗ trợ thêm cho mỗi trường hợp xây nhà mới 40 triệu đồng và sửa chữa là 20 triệu đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa Cao Đình Huy cho biết, ngoài kinh phí hỗ trợ, thành phố còn vận động các xã, phường cùng các tổ chức chính trị, xã hội hỗ trợ ngày công để giúp các gia đình sớm xây, sửa nhà ở. Mỗi căn nhà được xây dựng phải bảo đảm tiêu chí nền móng cứng, khung tường cứng và mái cứng. Nhờ sự phân công cán bộ bám sát địa bàn cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị về nhân lực và vật lực, cho nên phần lớn nhà mới được xây bảo đảm tiêu chí ba cứng với mức đầu tư xây mới mỗi căn từ 150 triệu đồng trở lên.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên, tổng số hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát là 2.065 hộ; trong đó có 1.617 hộ nghèo, cận nghèo, còn lại là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Nhu cầu xây mới là 1.409 nhà và 656 nhà cần sửa chữa. Từ nguồn lực toàn xã hội, tổng kinh phí được phân bổ và huy động gần 106 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xóa được 1.846 nhà, đạt 87,12%; trong đó xây dựng mới 1.316 nhà, cải tạo, sửa chữa 530 nhà và đã có 1.226 căn hoàn thành.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ gặp phải vướng mắc về thủ tục đất đai và không đủ nguồn vốn đối ứng. Từ thực tế trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên đã đề nghị Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh cho chủ trương để các địa phương điều chỉnh đối tượng không đủ điều kiện sang các đối tượng phát sinh. Đồng thời chuyển các hộ có nhu cầu sửa chữa những nhà xuống cấp hoặc bị sập trong quá trình sửa chữa sang xây dựng nhà ở mới. Một số hộ phát sinh được xem xét bổ sung vào danh sách hỗ trợ. Đối với các hộ gặp khó khăn trong việc đối ứng, Ban Chỉ đạo tỉnh vận động hỗ trợ thêm bằng nguồn vốn của hộ gia đình, dòng họ, tham gia đóng góp bằng ngày công với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng...

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên cũng đang triển khai Đề án “Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2024-2029. Theo đó, quyết định giải ngân cho 444 hộ gia đình (đợt 1) với tổng kinh phí 8.880 tỷ đồng; chủ yếu tham gia mô hình nuôi bò sinh sản và thương phẩm, gà thương phẩm, nuôi dúi giống và dúi thương phẩm.