HIỆN đang công tác trong lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, anh Cao Hữu Phúc đã nhiều lần chủ động, tích cực tham gia hiến máu cứu người. Những lần ra Hà Nội, khi điều kiện sức khỏe cho phép, anh Phúc đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tình nguyện hiến máu. Anh còn cùng các tình nguyện viên “Ngân hàng máu sống” trong lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng hiến máu phục vụ cấp cứu, chữa trị kịp thời cho bệnh nhân. Mẹ mất sớm bởi bệnh hiểm nghèo, anh Phúc thấu hiểu “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” nên đã hiến máu tới 26 lần. Dịp gần Tết Nguyên đán, có một trường hợp đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cần truyền máu gấp, anh cùng 4 đồng nghiệp khẩn trương có mặt hiến máu, cứu người.
“Ngân hàng máu sống” trong lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở Thanh Hóa tập hợp được từ 100- 150 tình nguyện viên sẵn sàng hiến máu. Bình quân mỗi năm, đơn vị huy động 135 lượt đoàn viên, thanh niên hiến máu tình nguyện. Trung tá Lê Đình Lợi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết: “Hoạt động hiến máu thay đổi vềthời gian, địa điểm, hoàn cảnh của người có nhu cầu. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗtrợ 24/24 giờ, bảo đảm tất cả các yêu cầu trợ giúp bệnh nhân đều được xửlý trong thời gian nhanh nhất. Nhiều đoàn viên, thanh niên tình nguyện hiến máu phục vụ cấp cứu người bệnh tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được người dân tin tưởng, ghi nhận”.
Trịnh Ngọc Thành và Nguyễn Minh Trang hiện là sinh viên Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Hai em luôn tự giác tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, còn tích cực tuyên truyền, vận động, lan tỏa hành động nhân văn trong đông đảo sinh viên đang học tập ở Thanh Hóa. Trang chia sẻ, khi đến cơ sở y tế học thực hành, em nhận thức sâu hơn về trách nhiệm và tình nguyện hiến máu cứu người, tham gia chương trình “Giọt hồng Blouse trắng”.
Tình trạng thiếu máu dự trữ phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thường xảy ra trong dịp hè và Tết cổ truyền. Để khắc phục, tỉnh Thanh Hóa huy động hội viên các câu lạc bộ tình nguyện, “Ngân hàng máu sống” hiến máu. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hướng dẫn kiện toàn, chỉ đạo, điều hành hoạt động hiến máu. Ngoài Câu lạc bộ tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, câu lạc bộ hiến máu nhân đạo “Giọt hồng xứ Thanh” thu hút tới hơn 7.000 tình nguyện viên tham gia, trong đó có 5.700 người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là thanh niên.
Một lần hiến máu cấp cứu, chữa trị bệnh cho mẹ bạn Hà Văn Khang ở xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, anh Nguyễn Sỹ Đức nảy sinh ý tưởng tập hợp, nhân rộng hoạt động này. Anh đã vận động các cựu chiến binh chung tay trợ giúp anh Phạm Văn Thái có vợ mắc bệnh tan máu bẩm sinh, con bị bệnh tim ở xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc cải thiện khó khăn, xây dựng ngôi nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Anh còn tham gia Câu lạc bộ tình nguyện hiến máu Việt Nam, Hội Những người nhóm máu O và những người bạn; đồng thời là Chủ nhiệm câu lạc bộ hiến máu nhân đạo “Giọt hồng xứ Thanh”. Hoạt động của câu lạc bộ góp phần khắc phục thiếu máu cục bộ, đáp ứng yêu cầu cấp cứu, chữa bệnh kịp thời; bổ sung lượng máu dự trữ, huy động tiểu cầu, các loại máu hiếm phục vụ điều trị, bảo vệ sự sống cho bệnh nhân. Riêng anh Nguyễn Sỹ Đức mỗi năm tham gia hơn 10 lần hiến máu, hiến tiểu cầu. Thành viên câu lạc bộ “Giọt hồng xứ Thanh” hiện phân bổ ở tất cả các địa phương trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu hiến máu đột xuất, định kỳ. Nhiều tình nguyện viên, đơn cử như Hoàng Thị Hà ở thị trấn Mường Lát sẵn sàng vượt hàng trăm cây số về Trung tâm Huyết học-Truyền máu ở thành phố Thanh Hóa để hiến máu.
Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe hiến máu, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mạnh ghi nhận: Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức hiến máu được linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Có thể kể đến các chương trình “Giọt hồng Blouse trắng” được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán; “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”, “Những giọt máu hồng tình nguyện hè” và chương trình “Hành trình đỏ- kết nối dòng máu Việt” mà 12 năm qua Thanh Hóa liên tục tham gia, đóng góp thành công. Năm 2024, Thanh Hóa huy động được 55.691 đơn vị máu, trong đó lứa tuổi thanh niên chiếm 40% tổng số lượt người hiến máu.
Dù vậy, trong số lượng máu nêu trên có nguồn huy động từ người thân hiến máu bởi vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu. Giám đốc Trung tâm Huyết học- Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Huy Thạch cho biết: Mỗi tháng cần 5.000 đơn vị máu để xử lý, cung ứng cho các cơ sở y tế trên địa bàn nhưng chỉ tiêu kế hoạch, tổ chức hiến máu chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Do thiếu máu nên cơ sở y tế vẫn phải huy động người nhà hiến, chiếm tới 35% số lượng đơn vị máu thu được. Nhu cầu cấp cứu, điều trị ngày càng tăng nhưng tỷ lệ dân số trong tỉnh tham gia hiến máu còn thấp. Cần căn cứ nhu cầu sử dụng máu để xây dựng chỉ tiêu, triển khai kế hoạch hiến máu cụ thể; huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia chủ động đăng ký chỉ tiêu, thời gian hiến, tiếp nhận máu. Các huyện vùng cao, vùng xa như Quan Sơn, Mường Lát cần nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống”, chỉ đạo, điều hành các tình nguyện viên tham gia hiến máu trong trường hợp khẩn cấp.