Quản lý và ngăn chặn tình trạng độc quyền
Tuyên bố từ Điện Elysee cho biết, hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Grand Palais ở Thủ đô Paris, nơi 61 quốc gia, trong đó có Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc, đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc trên. Tuy nhiên, đáng chú ý Mỹ và Anh đã không ký tuyên bố cuối cùng của hội nghị, với lý do lợi ích quốc gia và lo ngại về quy định. Tuyên bố chung nhấn mạnh các vấn đề liên quan AI và năng lượng đã lần đầu được giải quyết trong bối cảnh đa phương. Tuyên bố nêu bật nhu cầu nâng cao nhận thức về tác động của AI với thị trường lao động và thúc đẩy các công nghệ định hình tích cực tương lai của ngành.
Các bên ký kết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp trong quản lý AI và ngăn chặn tình trạng độc quyền thị trường để AI dễ tiếp cận hơn, nêu bật nhu cầu phải đạt tiến triển trong bảo đảm tính bảo mật và độ tin cậy của AI. Dù Mỹ không ký tuyên bố chung, nhưng Phó Tổng thống Mỹ JD Vance khẳng định, Washington vẫn quan tâm đến việc hợp tác quốc tế về AI, dù cảnh báo các khuôn khổ quản trị quốc tế phải thúc đẩy đổi mới thay vì kìm hãm AI.
Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hy vọng Đạo luật AI mới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ được áp dụng một cách linh hoạt để giúp các công ty khởi nghiệp có thể theo kịp cuộc đua. Việc công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc cho ra mắt chatbot AI mới có chi phí rẻ và hiệu suất cao càng tạo thêm áp lực cho Mỹ và châu Âu trong cuộc đua công nghệ mới nhằm duy trì vị thế của mình.
Tổng thống Macron khẳng định nước này sẽ cắt giảm thủ tục hành chính trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI. Kế hoạch này sẽ được áp dụng cho các trung tâm dữ liệu, các giấy phép đưa sản phẩm AI ra thị trường và làm tăng sức hấp dẫn của doanh nghiệp. Ông Macron cũng nhấn mạnh Pháp có nhiều lợi thế phát triển công nghệ AI, đặc biệt là đã có mạng lưới nhà máy điện hạt nhân có khả năng mở rộng quy mô để cung cấp nguồn năng lượng sạch khổng lồ cho phát triển AI. Trước thềm hội nghị, ông Macron đã công bố cam kết đầu tư 109 tỷ euro cho phát triển AI tại Pháp trong những năm tới.
Cảnh báo những mặt tiêu cực của AI với kinh tế
Trước làn sóng chạy đua của các nước với tâm lý "sợ bị bỏ lại phía sau", nhiều tổ chức đã lên tiếng về những mặt trái của AI. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, theo tính toán của tổ chức này, việc áp dụng AI có thể thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng trưởng thêm 14 điểm % so hiện nay. Nhưng kèm theo đó, sự phân mảnh trong các quy định về công nghệ và luồng dữ liệu có thể khiến trao đổi thương mại bị thu hẹp.
Người đứng đầu Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert Houngbo đề cập mặt trái khác của AI, đó là việc công nghệ này đang dần thay thế các công việc văn phòng của phụ nữ và làm gia tăng chênh lệch thu nhập theo giới tính. Ngoài ra, xu hướng tập trung thúc đẩy về kinh doanh tại Hội nghị thượng đỉnh AI cũng bị các nhà quan sát chỉ trích, khi tuyên bố chung không đề cập đến những nguy cơ tiềm ẩn của AI.
Mặc dù có những ưu tiên khác nhau về quy định và cách thức phát triển công nghệ, song các cường quốc đều nhất trí ưu tiên phát triển điện để cung cấp cho AI. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, việc phát triển thêm điện để cung cấp năng lượng cho AI sẽ là ưu tiên chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong năm nay, khi Canada đảm nhận chức chủ tịch của nhóm này. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau nói rằng thế giới cũng cần nỗ lực tìm các cách để giảm nhu cầu năng lượng của AI.