Trâu, bò vô tư… dạo phố
Tình trạng thả rông gia súc tràn lan trên một số tuyến đường không phải bây giờ mới được đề cập. Dù vậy, nhiều người dân vẫn không nhận thức được những nguy hiểm, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông đường bộ. Hệ lụy là gia súc vẫn “tung tăng” trên khắp nẻo đường, thậm chí là ngay trong khu vực nội đô. Không biết từ bao giờ, có một quy tắc mà người đi đường buộc phải thực hiện, đó là nhường “quyền ưu tiên” cho gia súc ngang nhiên đi giữa đường.
Trên khu vực quận Nam Từ Liêm, cảnh hàng chục con bò đua nhau gặm cỏ ngay ven đường không phải điều xa lạ. Tại khu vực này, mỗi khi đàn gia súc “diễu hành” qua là hàng trăm phương tiện phải giảm tốc độ để nhường đường, gây ra cảnh giao thông lộn xộn. Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe taxi thường xuyên đi qua trục đường này cho biết, trâu bò đi tự do trên đường khiến cá nhân tôi rất lo ngại, bởi không những ảnh hưởng thời gian di chuyển mà còn rất dễ gây tai nạn giao thông. Thiết nghĩ, ngành giao thông vận tải và các cơ quan chức năng nên có các biện pháp để chấm dứt tình trạng này.
Không chỉ trong nội đô, ngay tại các tuyến đường trục chính dẫn ra ngoại thành như: Đại lộ Thăng Long (đoạn qua quận Nam Từ Liêm); quốc lộ 21B (đoạn qua huyện Thanh Oai); đường 419 (đoạn qua xã Bình Phú, huyện Thạch Thất)… cảnh những đàn trâu, bò thong dong giữa lòng đường gây mất an toàn giao thông cũng có thể dễ dàng bắt gặp. Đặc biệt, tình trạng bò thả rông đi lạc vào đại lộ Thăng Long gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đang diễn ra khá phổ biến, nhất là đoạn đi qua địa bàn huyện Hoài Đức. Một điều thắc mắc là, tuyến đường này đã có hộ lan, tôn, rào thép chắc chắn, vậy tại sao bò vẫn đi lạc được vào gây nguy hiểm cho người đi đường?
Chưa có thống kê tai nạn giao thông do trâu, bò gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế những vụ việc này đã xảy ra và trở thành nỗi lo của người tham gia giao thông. Bởi khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi vẫn là người đi đường.
Xử lý nghiêm chủ gia súc
Mặc dù pháp luật đã có quy định về việc người dẫn dắt súc vật khi đi trên đường bộ phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh đường phố nhưng thực trạng là các chủ vật nuôi không biết hoặc có biết cũng không tuân thủ.
Trong nhiều văn bản pháp lý hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng, ngay trong khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới…
Riêng đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có quy định xử phạt, hướng xử lý trong khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP; Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Quốc hội; Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015… khá rõ ràng. Theo đó, trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người, người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết hai người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Như vậy, về nguyên tắc, khi súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho các chủ thể dân sự thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật bị suy đoán có lỗi trong quản lý phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thế nhưng, việc xử phạt hành chính về lĩnh vực này ở một số địa phương rất khó khăn, và hầu như các cơ quan chức năng cũng ít xử phạt trường hợp thả rông trâu, bò trên đường. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định xử lý nghiêm với chủ gia súc để thả rông trên đường. Đồng thời, các ngành chức năng cần có những biện pháp linh động và cụ thể, như tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền tới từng hộ dân về vấn đề này.