Một cách làm hay trong bảo tồn di sản văn hóa

NDO -

Quận Long Biên là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với mật độ các di tích lịch sử - văn hóa dày đặc. Ðiều này vừa có những thuận lợi, vừa tạo ra những thách thức trong công tác bảo tồn. Thời gian qua, quận Long Biên đã có những cách làm sáng tạo trong bảo tồn di sản, là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai giám định cổ vật trong các di tích. Qua đó, giúp nhân dân nhận thức rõ hơn về giá trị di tích, nâng cao ý thức bảo tồn.

Đình Lệ Mật được tu bổ và khánh thành đầu năm 2013.
Đình Lệ Mật được tu bổ và khánh thành đầu năm 2013.

Quận Long Biên là một mảnh đất có lịch sử lâu đời. Ðây là quê hương của danh tướng Lý Thường Kiệt, người có công lớn trong công cuộc đánh Tống, bình Chiêm dưới thời Lý. Trong buổi đầu nhà Lý định đô tại Thăng Long, chính người dân làng Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng) đã được vua Lý Thánh Tông cho khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành, lúc đó còn hoang sơ, lập nên 13 làng trại, là các phường Giảng Võ, Ngọc Hà, Liễu Giai... ngày nay. Trên địa bàn quận hiện có 84 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có những di tích nổi tiếng như: đình Lệ Mật, đền Ghềnh, chùa Bồ Ðề... Chỉ riêng trong năm 2012, quận Long Biên đã đầu tư 112 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Trước đó, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận đã tu bổ mười di tích quan trọng. Trong số này, có năm di tích được gắn biển công trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 Tuy nhiên, có một vấn đề mà những người làm công tác quản lý văn hóa trên địa bàn quận luôn trăn trở, đó là việc tu bổ di tích mới chỉ bảo tồn được phần "vỏ", trong khi đó nhận thức về phần "ruột" của di tích còn hạn chế. Nhiều cổ vật trong di tích có giá trị cả về nghệ thuật, lẫn niên đại lịch sử, nhưng do thời gian, chúng đã bị xuống cấp. Nếu tu bổ toàn bộ di tích thì cần bắt buộc qua nhiều thủ tục, còn với những cổ vật như: tượng, ngai, đồ thờ (bát bửu, chấp kích...)... đôi khi, người dân thấy đồ công đức to hơn, đẹp hơn, cho nên đã dẹp cổ vật đi, thay vào đó là những hiện vật mới tinh. Chưa kể đến tình trạng những người buôn cổ vật thường dùng chính thủ đoạn cung tiến đồ thờ mới để đổi lấy đồ cũ, mà thực tế là cổ vật giá trị. Cũng do nhận thức còn hạn chế, cho nên nhiều cổ vật không được bảo quản đúng mức, nhất là những cổ vật bằng vải, giấy như: áo thánh, mũ, sắc phong. Trước thực tế này, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên đã phối hợp Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện thống kê, giám định cổ vật cho các di tích trên toàn địa bàn. Do địa bàn có nhiều di tích nên quận Long Biên xác định sẽ làm từng bước, ưu tiên giám định trước tại các di tích có giá trị và các di tích đang bị xuống cấp.

Thực tế hiện nay, việc giám định cổ vật ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, bởi quá trình giám định phức tạp. Giám định cổ vật tại di tích càng khó hơn, bởi chủng loại các hiện vật phong phú,  từ hiện vật đá (bia, bát hương, tượng...) cho đến gỗ (hoành phi, câu đối, hương án, đồ tế khí...) hay giấy, vải (sắc phong, áo thờ, quạt thờ...). Số lượng hiện vật tại mỗi di tích lên đến con số hàng trăm. Ðể giám định cổ vật trong di tích, các nhà khoa học đã phải khảo sát từ hàng nghìn hiện vật có trong di tích, từ đó, phân loại ra những hiện vật được coi là cổ vật. Các nhà khoa học tiếp tục sử dụng các biện pháp chuyên môn để xác định niên đại. Sau đó, mỗi cổ vật lại được lập một bộ hồ sơ riêng, với các thông tin về miêu tả kích thước, đánh giá hiện trạng, giá trị, nguồn gốc, niên đại... Quy trình giám định được thực hiện hết sức chặt chẽ. Từ năm 2007 đến hết năm 2012, các đoàn công tác của quận và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành các cuộc khảo sát, giám định cổ vật của hơn 40 di tích. Trong đó, đã hoàn thành xác định được niên đại, giá trị nghệ thuật của 1.838 cổ vật có giá trị của 27 di tích, còn hơn mười di tích khảo sát trong năm 2012 đang đợi kết quả giám định.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ðoàn (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) đánh giá: "Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận Long Biên lưu giữ một số lượng lớn các di vật cổ, mang ý nghĩa như là một "bảo tàng" tại chỗ, phản ánh quá trình tồn tại lâu dài của mỗi di tích nói riêng cũng như của cả vùng đất nói chung. Các di vật cổ thuộc nhiều thời đại khác nhau, rất phong phú về loại hình và chất liệu với kiểu dáng, hoa văn trang trí cũng như minh văn lịch sử, thật sự là phần "cốt lõi căn bản", là "hồn" của các di tích". Thực tế cho thấy, có những di tích, ngoài ý nghĩa về mặt kiến trúc, còn là một bảo tàng cổ vật sống động như đình Lệ Mật, với 315 cổ vật các loại, gồm đủ loại bia, câu đối, hoành phi, sắc phong, đồ thờ..., nhiều cổ vật có niên đại từ thế kỷ 17, 18; đình Thổ Khối (phường Cự Khối) cũng có tới 238 cổ vật các loại. Ðình Thổ Khối cũng là ngôi đình lưu giữ được số lượng sắc phong thuộc vào hàng nhiều nhất Việt Nam, với 79 sắc phong. Chỉ riêng việc nghiên cứu bộ sắc phong này cũng có thể thấy được sự phát triển của nghệ thuật giấy sắc qua các thời kỳ. Việc giám định cổ vật trong di tích có sự tham gia chặt chẽ của cán bộ và người dân địa phương, qua đó, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về giá trị của các cổ vật. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Trần Thị Vân Anh, để thực hiện công tác bảo tồn di sản, quận Long Biên còn chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý văn hóa địa phương, nâng cao nhận thức của nhân dân. Ngoài phổ biến Luật Di sản văn hóa, tập huấn về quản lý di vật trong di tích, về công tác quản lý tôn giáo... cho các cán bộ văn hóa, thủ nhang, thủ từ và nhân dân, quận còn in hàng chục nghìn tờ rơi phát đến từng hộ gia đình để phổ biến về các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.

Cuối tháng 8 vừa qua, UBND quận Long Biên đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị "Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tại quận Long Biên". Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quận Long Biên đang đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2015, 20% số lao động trên địa bàn tham gia vào hoạt động du lịch. Du lịch đến các điểm di tích, làng nghề được coi là trọng tâm, Bởi vậy, trong thời gian tới, công tác đầu tư bảo tồn di sản văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh, để từ đó, việc khai thác các giá trị của di sản có thể góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Long Biên nói riêng, của thành phố nói chung.