Trong số này, quen mặt nhất là lò rèn di động của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Nhân và bà Trần Thị Thúy Phượng, quê xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Hơn 30 năm qua, đôi vợ chồng này đã giữ cho chiếc ghe lò rèn của gia đình luôn đỏ lửa. Họ thông thuộc từng khúc sông, từng tánh nết của khách hàng ven các con sông, rạch… từ Hậu Giang cho đến các vùng quê hẻo lánh sông nước Cà Mau.
Lần trở lại này, ghe lò rèn của vợ chồng ông Nhân rong ruổi hơn ba tháng, từ miệt rừng U Minh hạ đến những vùng trồng lúa nổi tiếng của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Khách hàng của ông Nhân là những mối quen, có xin số điện thoại và đặt hàng từ trước. Người thì mua nông cụ được rèn sẵn, hoặc mang thép đến để trui rèn đồ mới, số khác thì thuê sửa chữa lại những nông cụ thường ngày hay dùng đã bị xuống cấp, hư hỏng…
Có đơn hàng từ trước nên vợ chồng ông Nhân làm cật lực từ sáng đến xế chiều. Dừng ghe ở bến sông nhà nào, chủ hộ hỗ trợ luôn việc kéo điện, cho sử dụng nước không tính tiền, có khi còn cho đồ ăn. Có lẽ vì thế mà đôi vợ chồng này luôn lấy giá hữu nghị theo kiểu lấy công làm lời, dù khách hàng ít khi so đo, ngã giá về tiền công.
“Trở lại lần này, ghe lò rèn của vợ chồng ông Nhân được trang bị thêm máy dập bằng điện cho nên việc trui rèn nhanh hơn xưa. Từ cây dao, cây kéo, cây búa và các đồ của thợ mộc, loại nào vợ chồng ông cũng trui rèn tốt và rất sắc bén. Lâu ngày thành quen, nông cụ nhà tôi hư là gọi trước, không lâu sau ghe ông Nhân đến tận nhà, rất tiện và khỏi đi xa”, ông Nguyễn Văn Tây, khách quen ở xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết.
![]() |
Vợ chồng ông Nhân trui rèn con dao mới cho ông Nguyễn Văn Tây, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. |
![]() |
Ông Nhân tỉ mỉ trong từng công đoạn, giúp nông cụ sắc bén. |