Đất “hẻo” trong điều trị!
Ông Nguyễn Đình Liên, giảng viên, đồng thời là bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện Trường đại học Y Hà Nội cho biết: Trong bệnh viện, việc sử dụng Đông y, nam dược quá ít ỏi trong mọi lĩnh vực. Số lượng bác sĩ y học cổ truyền vốn ít, cơ cấu nhân sự Khoa Y học cổ truyền càng nhỏ. Bệnh viện tuyến trung ương có quy mô giường bệnh cũng nhỏ nên sự tiếp cận khoa y học cổ truyền kém”.
Thực tế cũng cho thấy rõ ràng, điều trị Tây y đem lại hiệu quả nhanh hơn, phù hợp mong muốn của người bệnh là mau khỏi để sinh hoạt và lao động. Chỉ những người bệnh có niềm tin vào thuốc và sản phẩm y học cổ truyền mới tự tìm đến khoa khám, chữa bệnh y học cổ truyền trong các bệnh viện, phần nhỏ đến với khoa y học cổ truyền qua hội chẩn chuyên khoa. Nhưng bất cập còn ở khâu tiếp đón và phân loại bệnh nhân tại phòng khám đa khoa khi người hướng dẫn ít có chuyên môn hoặc chưa chú ý giới thiệu bệnh nhân đến khám và chữa bệnh ở khoa y học cổ truyền.
Nguyên nhân còn ở vấn đề thực lực. Thực tế cho thấy, người dân có niềm tin vào các sản phẩm, chế phẩm từ đông dược, nam dược chính hãng, có xuất xứ đáng tin cậy vì hiểu rằng, các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, ít gây tác dụng phụ, dễ được cơ thể tiếp nhận qua đường uống, đường tiếp xúc như da, niêm mạc… Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là nhiều sản phẩm lại chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng về độc tính, các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm do các cơ sở sản xuất không bảo đảm, hoặc bị làm giả, làm nhái.
Tai hại hơn, nhiều sản phẩm y học cổ truyền còn bị bóp méo hình ảnh do có “lang vườn” trộn tân dược vào lừa gạt người dùng, hoặc thổi phồng giá trị sản phẩm gây mất niềm tin trong cộng đồng và tạo ác cảm với các bác sĩ theo y học hiện đại. Thậm chí, cũng không nhiều bác sĩ theo y học hiện đại có cái nhìn thiện cảm và hiểu về y học cổ truyền.
Hạn chế về đào tạo y - dược học cổ truyền
Không thể bỏ qua nguyên nhân đầu tiên và cơ bản của thực trạng trên, đó chính là thời lượng giảng dạy y - dược học cổ truyền trong các trường chuyên môn y và dược quá thấp.
Tham khảo hầu hết các giáo trình cao đẳng dược hiện nay (đây là cấp bậc thấp nhất để được cấp bằng dược sĩ và có quyền mở nhà thuốc tuyến huyện trở lên), học phần liên quan dược liệu có được một môn, tương đương 30 tiết hoặc sáu buổi học. Khó lòng so sánh xưa - nay, nhưng nhìn lại truyền thống, đã có nhiều bậc danh y dành cả đời nghiên cứu và thử nghiệm các loại cây thuốc, và quan sát đời này qua đời khác để đúc rút ra những phương pháp, kinh nghiệm quý.
Về chương trình dạy ngành dược, ông Phạm Thanh Mạnh, Khoa Bào chế Học viện Quân y, nhận xét: Kiến thức được dạy ở bậc đại học, cao đẳng chỉ là kiến thức nền tảng, mỗi môn chỉ có một thời lượng nhỏ, vừa đủ để cho người học hiểu môn đó sẽ nghiên cứu gì, như mở ra một cánh cửa. Còn ngành dược với đặc thù phức tạp, mỗi một chuyên môn thậm chí phải dành cả đời để nghiên cứu, nên lượng chương trình như vậy không đủ để người học đào sâu ở bất cứ lĩnh vực nào. Ai yêu thích bào chế dược thì phải tự học, tự mày mò. Môi trường sinh viên tiếp xúc ngay sau khi học là quầy thuốc, nhà thuốc, bệnh viện… chủ yếu dùng thuốc tây, nên dễ hiểu tại sao thuốc tây được coi trọng, như một thói quen.
Chính vì chương trình đào tạo nghèo nàn, nên người thầy thuốc, với bản tính thận trọng của nghề nghiệp vẫn còn nghi ngờ về công dụng và e ngại trước các phản ứng phụ của thảo dược do không có hệ thống nghiên cứu đầy đủ so với những loại dược liệu tinh chế đã được chiết xuất sẵn.
Thay đổi trong giáo dục, không phải chỉ là việc tăng cơ học thời lượng dạy về cây thuốc, mà phải có định hướng thay đổi về mặt tư duy của những người thầy thuốc tương lai để hiểu và yêu cây thuốc.