Lên mốc 108, thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - Cao Bằng (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) giờ đã dễ dàng hơn so với trước. Lối đi giữa những hàng sưa xanh, không gian rừng già dịu mát bao bọc. 84 năm đã qua kể từ ngày người cha già vĩ đại của dân tộc trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, những dấu vết thuở phôi thai lịch sử vẫn như còn vẹn nguyên. Biên giới Cao Bằng là nơi đón Người, chứng kiến bước chân đầu tiên Người trở về.
Thời điểm mới về nước, Bác nghỉ chân tại nhà ông Lý Quốc Súng (ông Máy Lỳ). Nơi ở này chỉ cách mốc biên giới một đoạn, di tích nền nhà nằm ngay trên con đường lên tới mốc. Sau khi trú tạm ở nhà ông Lý Quốc Súng, Bác đã chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm.
Cột mốc 108 làm từ đá tảng nguyên khối, được dựng vào cuối thế kỷ 19 theo Hiệp ước Pháp - Thanh dùng để phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tới năm 2001, khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã hoạch định phân giới cắm mốc, vị trí biên giới được đặt tại mốc quốc giới 675. Hiện mốc 108 cũ được đặt cách mốc 675 vài mét.
Di tích Pác Bó bao gồm: Cụm di tích khu vực đầu nguồn, Điểm lưu niệm khu trung tâm, Khu di tích Kim Đồng, Khu di tích Khuổi Nặm, Khu di tích Bó Bẩm. Đến Pác Bó - Cao Bằng khó có thể bỏ qua cột mốc 108 - nơi “Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”. Cũng chính tại khu vực này, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, từ đó thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.
84 năm theo chân Bác, đất nước bây giờ đã nối liền một dải nam bắc, với điểm đầu con đường Hồ Chí Minh huyền thoại Km0 ngay tại Pác Bó - Cao Bằng, kéo dài 3.167 km vào tới mũi Cà Mau.