Khu di tích cách TP Hồ Chí Minh khoảng 70 km. Hiện có hai khu vực chính được bảo tồn và cho phép hoạt động du lịch là Địa đạo Bến Dược và Bến Đình. Du khách có thể tham khảo tuyến đường để đi xe máy, ô-tô, xe bus, hoặc tàu thủy cao tốc để đến Địa đạo Bến Dược tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, nơi từng là căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.
Đến địa đạo, trải nghiệm không thể bỏ qua là chui xuống lòng đất, khám phá các đường hầm dọc ngang đan xen. Theo lời kể của hướng dẫn viên, toàn bộ địa đạo có tổng chiều dài 250 km, từng có lúc chứa được cả nghìn người, với 3 tầng sâu khác nhau mà nơi sâu nhất cách mặt đất 12 m. “Ngôi làng” cũng là chiến lũy ấy được tạo nên hoàn toàn bằng ý chí, quyết tâm và đôi tay con người, cùng những dụng cụ thô sơ như lưỡi cuốc, ki xúc đất. Địa đạo được kiến tạo và nguỵ trang cực kỳ khéo léo, với đầy đủ các buồng chức năng như hội trường để họp, hầm lương thực, hầm chứa vũ khí, lỗ thông hơi, ổ chiến đấu, bếp Hoàng Cầm, xưởng chế tạo, xưởng may quân trang. Dù tham quan đường hầm đã được gia cố và chiếu sáng, không ít người vẫn không chịu được lâu cảm giác chui trong hầm chật hẹp, bí bức. Vậy mới hình dung được phần nào những gian khổ, hiểm nguy mà lực lượng kháng chiến từng kiên cường vượt qua dưới những trận càn quét, dưới mưa bom bão đạn từ quân địch.
Xuyên qua khu rừng là Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược với bia đá khắc tên hơn 45 nghìn anh hùng, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Du khách cũng có dịp chiêm ngưỡng khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi giai đoạn 1961-1972, nếm những món ăn từng nuôi sống bộ đội và đồng bào như khoai, sắn, củ mài chấm muối vừng. Với sự phối hợp từ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tour đêm “Trăng chiến khu” tại đây là một sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.