Iran nêu giới hạn trong đàm phán với Mỹ

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố an ninh quốc gia, phòng thủ và sức mạnh quân sự là điều không thể thương lượng trước thềm vòng đàm phán thứ hai giữa Iran và Mỹ, dự kiến diễn ra tại Muscat (Oman) vào ngày 19/4.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (giữa) tham dự một triển lãm hạt nhân tại Thủ đô Tehran. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (giữa) tham dự một triển lãm hạt nhân tại Thủ đô Tehran. Ảnh: REUTERS

Lạc quan về triển vọng đàm phán

Theo hãng thông tấn chính thức IRNA, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmail Baghaei, thông báo cuộc đàm phán gián tiếp tiếp theo sẽ diễn ra tại thủ đô của Oman sau khi hai bên có những trao đổi tích cực và mang tính xây dựng tại đây vào cuối tuần qua. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh Iran muốn có sự bảo đảm tuân thủ các cam kết. Ông lưu ý chừng nào ngôn từ đe dọa, cấm vận và áp lực còn tiếp diễn, đàm phán trực tiếp sẽ không diễn ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết trong cuộc đàm phán đầu tiên tại Oman, phái đoàn của Tehran và Washington chỉ tập trung thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran và việc nới lỏng trừng phạt của Mỹ. Hãng tin SNN dẫn lời ông Baghaei nêu rõ: “Lập trường của Iran rất rõ ràng: Vấn đề duy nhất được thảo luận là vấn đề hạt nhân và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, và chúng tôi sẽ không đàm phán với Mỹ về bất kỳ chủ đề nào khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhận định các cuộc đàm phán gián tiếp ở Oman là có hiệu quả, tái khẳng định Washington hy vọng một giải pháp ngoại giao có thể kiềm chế Iran phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng nếu điều đó thất bại thì quân đội Mỹ sẵn sàng “can thiệp sâu” để ngăn chặn.

Một số quốc gia khu vực đã lên tiếng hoan nghênh cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Iran tại Oman, bày tỏ hy vọng tiến trình sẽ giúp mang lại sự ổn định tại khu vực trong tương lai. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Cairo ủng hộ mọi sáng kiến nhằm đạt được các giải pháp chính trị thông qua đối thoại, tái khẳng định lập trường ngoại giao phải là kim chỉ nam cho việc giải quyết khủng hoảng trong khu vực. Ai Cập hoan nghênh “sự tham gia có chừng mực” của cả Mỹ và Iran, cho rằng những cách tiếp cận như vậy là cần thiết để giảm căng thẳng và củng cố an ninh khu vực.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei dù bày tỏ hài lòng về các cuộc đàm phán giữa nước này và Mỹ, song cảnh báo tiến trình đàm phán cuối cùng có thể sẽ không đem lại kết quả. Ông Khamenei nhấn mạnh các cuộc đàm phán diễn ra sắp tới cần có trọng tâm và các “lằn ranh đỏ” rõ ràng đối với cả Iran và Mỹ, theo đó Tehran sẽ không gắn các vấn đề quốc gia với các cuộc đàm phán hạt nhân.

IAEA và Iran nối lại đối thoại hạt nhân

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi sẽ đến Iran vào cuối tuần này để thảo luận về việc cải thiện quyền tiếp cận và giám sát chương trình hạt nhân của Tehran. Chuyến thăm này được coi là một phần quan trọng trong tiến trình đàm phán đang diễn ra.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Grossi nhấn mạnh việc Iran tham gia và hợp tác với IAEA là điều thiết yếu, nhất là trong thời điểm các giải pháp ngoại giao đang ngày càng cấp bách. Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, chuyến thăm của ông Grossi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/4. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Iran kể từ tháng 11/2024.

Những diễn biến ngoại giao mới diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng kể từ năm 2018, khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran. Đáng chú ý, vài tuần trước, ông Trump đã gửi thư cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei nhằm kêu gọi nối lại đàm phán hạt nhân, đồng thời cảnh báo về khả năng sử dụng biện pháp quân sự nếu Tehran từ chối.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 2, IAEA cho biết Iran đang sở hữu gần 275 kg urani làm giàu tới 60%, mức độ vượt xa giới hạn 3,67% quy định trong thỏa thuận năm 2015 và tiệm cận ngưỡng 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran nhiều lần phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, khẳng định chương trình chỉ phục vụ mục đích hòa bình.