Hướng tới một thỏa thuận công bằng cho các bên

Thỏa thuận hoặc bị ném bom!
0:00 / 0:00
0:00
Vòng đàm phán thứ 2 giữa Mỹ và Iran được tổ chức tại Italy, do Oman làm trung gian. Ảnh | EPA
Vòng đàm phán thứ 2 giữa Mỹ và Iran được tổ chức tại Italy, do Oman làm trung gian. Ảnh | EPA

Cuối tháng 4, phát biểu trước các phóng viên Nhà Trắng tại sân bay Morristown ở bang New Jersey, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự lạc quan: “Về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, tôi nghĩ chúng tôi đang làm rất tốt. Tôi tin tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Điều đó sẽ xảy ra và chắc chắn chúng ta sẽ có được điều mình muốn mà không cần phải thả bom khắp nơi”.

Đàm phán giữa Washington và Tehran về chương trình hạt nhân của Iran diễn ra qua nhiều vòng, khi ở thủ đô Rome của Italia, khi ở Oman. Nó đã bắt đầu từ ngày 5/3/2025 khi Tổng thống Mỹ D.Trump bất ngờ gửi một bức thư cho Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, nhằm thúc đẩy đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran. Bức thư được gửi đi trong bối cảnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, thuộc khuôn khổ chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Tổng thống D.Trump nhắm vào quốc gia Trung Đông này.

Thoạt tiên, Đại giáo chủ A.Khamenei tuyên bố Iran sẽ không đàm phán với Mỹ bởi Washington chủ yếu quan tâm đến lợi ích của chính mình. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi bày tỏ quan điểm rằng các cuộc đàm phán không thể diễn ra dưới áp lực của Mỹ.

Thế nhưng hơn mười ngày sau, Tehran hồi đáp bức thư của Tổng thống D.Trump, nói cân nhắc thảo luận với Mỹ về vấn đề hạt nhân nếu các cuộc đàm phán chỉ giới hạn trong phạm vi về quan ngại liên quan đến việc quân sự hóa. Và trái với đòi hỏi của phía Mỹ về hình thức đàm phán trực tiếp giữa hai bên, Iran cho biết chỉ đồng ý đàm phán gián tiếp dưới sự trung gian của Oman.

Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận đàm phán gián tiếp qua trung gian với Iran tại sứ quán Oman ở thủ đô Rome của Italia và hoặc tại thủ đô Muscat của Oman. Trong khi các chuyên gia đàm phán của hai bên đang tích cực làm việc thì ông Trump tung ra lời nhắn nhủ: “Nếu họ không đạt được thỏa thuận, sẽ có ném bom, đó sẽ là những trận ném bom với mức độ mà họ chưa từng thấy!”.

Để tiếp thêm sức nặng cho lời đe dọa của mình, ông Trump cũng cảnh báo có khả năng sẽ áp thuế thứ cấp, nghĩa là không áp dụng trực tiếp lên Iran, mà nhắm đến bên thứ ba có giao thương với nước này. Những đòn thế gây sức ép về kinh tế luôn là loại đòn bẩy lợi hại mà ông Trump thường xuyên sử dụng để có thể đạt được mục tiêu trong các cuộc đàm phán.

Nhưng, lẽ ra giữa Mỹ và Iran đã không phải trải qua những vòng đàm phán căng thẳng như hiện nay nếu như nhiều năm trước, ông Trump đã không đưa ra một quyết định gây bất ngờ đối với cả thế giới.

Iran đã làm giàu uranium gần tới cấp độ vũ khí

Sau gần 15 tháng đàm phán, ngày 14/7/2015, Iran và nhóm P5+1, gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh cộng với Đức, cùng Liên minh châu Âu EU đã ký một thỏa thuận tại Vienna (Áo), gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo JCPOA, Iran đồng ý loại bỏ kho dự trữ uranium đã làm giàu, cắt giảm khoảng 2/3 số lượng máy ly tâm khí, không xây dựng thêm bất kỳ cơ sở chế biến nước nặng trong khoảng thời gian 15 năm. Các hoạt động làm giàu uranium của Iran sẽ được giới hạn ở một cơ sở duy nhất sử dụng máy ly tâm thế hệ đầu tiên trong 10 năm, chuyển đổi các cơ sở làm giàu khác để hạn chế nguy cơ phổ biến công nghệ vũ khí hạt nhân.

Điều đặc biệt quan trọng là Iran chấp nhận trong vòng 15 năm kể từ ngày ký thỏa thuận, sẽ chỉ làm giàu uranium ở mức 3,67%, nằm trong giới hạn từ 3 đến 5% để sử dụng cho việc sản xuất năng lượng điện hạt nhân.

Để theo dõi và xác minh sự tuân thủ của Iran theo thỏa thuận, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có quyền truy cập thường xuyên vào tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran. Các thanh sát viên của IAEA sẽ cài đặt các con dấu chống giả và thu thập hình ảnh camera giám sát, dữ liệu đo lường và tài liệu để phân tích việc tuân thủ thỏa thuận của Iran.

Đổi lại, Mỹ, Liên minh châu Âu và LHQ sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Tưởng chừng như không có một thỏa thuận nào dễ chịu hơn đối với Mỹ, EU cũng như các đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông vốn luôn lo lắng trước ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Ấy vậy mà tháng 5/2018, chính quyền Mỹ dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã bất ngờ quyết định rút khỏi JCPOA bởi lý do thỏa thuận “quá hào phóng” với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Mỹ cũng nối lại các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhằm vào Iran.

Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn cho thỏa thuận, các nước châu Âu tham gia JCPOA, cụ thể là Anh, Pháp, Đức (E3), đã thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để bảo đảm duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này.

Tuy vậy, cũng không một nước nào trong E3 thực hiện các nghĩa vụ theo những điều khoản trong JCPOA.

Đương nhiên là kể từ đó Iran không đơn phương thực hiện JCPOA. Tròn một năm sau ngày Mỹ rút khỏi JCPOA, ngày 8/5/2019, Iran thông báo quyết định của nước Cộng hòa Hồi giáo này đình chỉ việc thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận JCPOA và sau 60 ngày kể từ đó, sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận, cụ thể là tăng mức độ làm giàu uranium.

Trong vòng bốn năm qua kể từ khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi JCPOA, chương trình hạt nhân của Iran đã có những bước tiến đáng kể. Từ tháng 4/2021, Iran đã bắt đầu làm giàu uranium cấp độ 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz, tiến gần đến ngưỡng làm giàu ở cấp độ vũ khí là 90%. Theo IAEA, kho dự trữ uranium làm giàu ở mức 60% của Iran đủ để chế tạo 6 quả bom hạt nhân nếu được làm giàu lên mức 90%.

Ngăn ngừa những hành động cực đoan của Israel

Vì sao vào thời điểm này, Mỹ lại chủ động xúc tiến đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran?

Ở thời điểm 2018, khi Tổng thống D.Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi JCPOA, vai trò và ảnh hưởng của Iran trong khu vực còn rất mạnh. Các nhóm trong “trục kháng chiến” như Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ tại các địa bàn mà các nhóm này đứng chân.

Sau vụ tấn công của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023, tiếp đó là đòn trả đũa khốc liệt của Israel nhằm vào cả Hamas ở dải Gaza lẫn Hezbollah ở Lebanon, đánh quỵ hầu như toàn bộ cơ cấu lãnh đạo của các tổ chức này, cộng với những vụ tấn công liên tục của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, ảnh hưởng của Iran thông qua các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực đã sụt giảm đáng kể. Do đó, Mỹ cũng giảm bớt lo ngại Tehran sẽ thách thức đồng minh cật ruột của mình là Israel.

Mỹ cũng lo ngại Israel sẽ có các biện pháp cực đoan nhằm vào Iran để bằng mọi giá ngăn cản nước Cộng hòa Hồi giáo sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong quá khứ, Tel Aviv đã không ngần ngại xuống tay, tấn công thẳng vào các cơ sở hạt nhân ở các nước trong khu vực mà Israel cho rằng đe dọa đến an ninh quốc gia của mình.

Do vậy, Mỹ không chỉ muốn đàm phán đạt được một thỏa thuận nhằm kiềm chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran mà còn “tháo ngòi nổ”, ngăn Israel có thể hành động gây bùng nổ khủng hoảng trong khu vực khiến Mỹ có khả năng bị kéo vào cuộc, trong khi Washington đang còn phải đau đầu lo “mặt trận Nga - Ukraine”, chưa kể phải đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc.

JCPOA mà Mỹ từ bỏ hồi 2018 là một thỏa thuận tốt nhất mà Mỹ và EU cũng như Iran có được để không bị cuốn vào cuộc đua vũ khí tốn kém, nhiều rủi ro, trong khi Tehran cũng phải chịu vô vàn khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Những cuộc đàm phán giữa Mỹ với Iran vẫn đang tiếp tục với không ít những trở ngại liên quan đến các vấn đề then chốt như quyền làm giàu uranium của Iran…

Tuy nhiên, dư luận quốc tế có quyền hy vọng vào việc hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, khôi phục JCPOA hay với bất kỳ hình thức nào, giúp giảm căng thẳng tại Trung Đông, tạo cơ hội cho Iran quay trở lại cộng đồng kinh tế quốc tế.

Con đường phía trước còn nhiều thách thức, đòi hỏi cả Mỹ và Iran phải thể hiện thiện chí và có những nhượng bộ nhất định. Đã đến lúc phải từ bỏ những hành động vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, hướng tới một thỏa thuận công bằng cho tất cả các bên.